Ra đi vì người ở lại

Ra đi vì người ở lại
TP - Từ một ngành công nghiệp phát triển vào loại sớm nhất ở nước ta, đường sắt dẫm chân tại chỗ, rồi rơi vào tụt hậu. Từ một ngành vận tải anh cả, phù hợp với mảnh đất hình chữ S, thị phần đường sắt rớt thê thảm(hiện chỉ còn 0,39%).

Từ chỗ lôi cuốn bao nam thanh nữ tú, nay chính họ buộc phải viết đơn xin bỏ việc. Đó là một điều đau đớn, nhãn tiền nhất.

Trong quá trình tìm tư liệu viết bài, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là những công nhân, nhân viên đường sắt dứt áo ra đi đó ít hằn học, bất mãn. Họ nhớ tiếng còi tàu, tiếng lao xao nơi sân ga, những lúc lên ban, vào ca mệt nhọc. Họ rời đi muốn để lại phần thu nhập và cả cơ hội vươn lên cho người ở lại.

Một thợ bậc 6, hỏng sống lưng, khớp tay chân thoái hoá sớm sau 28 năm cặm cụi xin nghỉ và nhắn nhủ: “Mình nghỉ, ít người, lương anh em sẽ cao hơn. Mong ngành mua thiết bị, máy móc để làm việc hiệu quả hơn…”. Cô nhân viên trẻ tuổi rời ga xép mong lãnh đạo ga cư xử công bằng hơn với người ở lại dù còn túng thiếu. Cô mong ngành “thay đổi toàn diện”, “cải tổ mô hình” để thu hút khách, tăng thu rồi tăng lương.

Việc công nhân nghỉ việc hàng loạt dù với lý do gì và những lời nhắn nhủ mộc mạc - nhưng không hề kém ý tưởng của các cấp lãnh đạo - có lẽ là bước đường cùng để đường sắt bật lên từ đáy.

Nhìn nhận một cách công bằng, ĐSVN đang giành giật cơ hội sống sót. Lắp đặt hệ thống vệ sinh tự hoại trên tàu, nâng cao ke ga, đưa vé bán trên internet, giường đệm sạch sẽ, nhân viên niềm nở, chu đáo … là những việc không tốn hoặc tốn ít tiền mà đường sắt đang thực hiện. Dàn lãnh đạo mới của ĐSVN gần đây đôn đáo tái cấu trúc, liên doanh, ký kết hợp tác, xin vay/cấp vốn để mua đầu tàu, thay toa xe, rào chắn đường ngang.

Trong sự đi xuống chạm đáy của ngành ĐSVN hiện nay do sự trì trệ, yếu kém của chính ĐSVN nhưng không thể không kể đến sự vô tình hay hữu ý bỏ quên ngay ở cấp độ vĩ mô. Trong giai đoạn 2005 - 2015, tổng vốn đầu tư phát triển đường sắt từ ngân sách nhà nước là 11.882 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,28% tổng mức đầu tư của ngành giao thông.

Trong câu chuyện BOT đang nóng bỏng hiện nay, không ít người đặt câu hỏi: Vì sao, BOT đường bộ được các nhà hoạch định tích cực xúc tiến, nhà đầu tư hồ hởi đón chào? Phải chăng, dưới những lớp nhựa đường, các chiêu bài có thể được giấu kỹ; khi làm xong có ngay “tiền tươi thóc thật”. Còn với con đường sắt khắc khổ, lồ lộ kia sẽ rất khó thu được đá, bỏ được sắt, cắt được phần trăm? Rồi, sự nóng vội muốn thu tiền nhanh, ghi danh sớm khiến người ta bỏ quên đường sắt? 

 Nếu có, đó là lỗi lớn đối với những công nhân phải dứt áo ra đi một cách bất đắc dĩ hôm nay.

MỚI - NÓNG