Rối tinh số liệu

Rối tinh số liệu
TP - Hàng triệu người dân ở những thành thị lớn của Việt Nam, đặc biệt những người có điều kiện hay sử dụng thịt ngoại làm thực phẩm, đã tạm thời thở phào trước thông tin rốt cuộc cũng được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đưa ra: Việt Nam không nhập thịt từ 21 nhà máy bị điều tra ở Brazil.

Cũng theo Cục Thú y, thịt và sản phẩm thịt từ Brazil nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư 25 và phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra. Với sự trấn an này, người dân tạm thời không còn phải phấp phỏng, lo lắng trước việc không biết những miếng thịt ngoại mà họ đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua có thật sự sạch. Tuy nhiên, không vì thế mà đã vội mừng.

Tuy nhiên, vẫn còn những lấn cấn, băn khoăn đến nay chưa được làm rõ về số liệu chênh lệch khá lớn về nhập khẩu do chính các cơ quan chức năng của Việt Nam và nước bạn công bố. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2017, theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil và được Bộ Công Thương Việt Nam công bố, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã chi 12,8 triệu USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.

Trong khi theo thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD, trong đó hầu hết là thịt gà. Số liệu nhập khẩu thịt từ Brazil được đại diện Cục Thú y công bố cũng cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. So với số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil công bố, đang có mức chênh lệch nhập khẩu thịt giữa hai nước lên tới 8 triệu USD. Đây là con số cực lớn tính cả về giá trị và số lượng thịt nhập khẩu và cần làm rõ sớm nhất có thể. Số thịt, kim ngạch nhập khẩu chênh lệch về thống kê này thực tế đang ở đâu?

Brazil là nước sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất thế giới. Xuất khẩu thịt của nước này chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt của toàn thế giới và được xuất khẩu tới 150 nước và vùng lãnh thổ. Còn trong kinh doanh, việc doanh nghiệp chọn nhập khẩu “lòng vòng” từ những thị trường có mức thuế suất thấp, chi phí rẻ để tối ưu hóa lợi nhuận là hết sức bình thường. Vì vậy, cũng không loại trừ việc doanh nghiệp trong nước nhập đường vòng thịt Brazil thông qua một nước thứ ba. Việc cơ quan chức năng Việt Nam mới chỉ tập trung vào kiểm tra, rà soát thịt nhập khẩu trực tiếp từ Brazil mà chưa tính đến các cửa nhập khẩu khác thông qua nước thứ ba cũng có thể coi là một lỗ hổng trong quản lý. Việc làm rõ cơ quan chức năng không bỏ sót số liệu thống kê cũng cần được làm tiếp để dư luận không còn ngạc nhiên về sự chênh lệch của số liệu nhập khẩu nói trên.

MỚI - NÓNG