Sân chơi TPP

Sân chơi TPP
TP - Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khu vực vành đai Thái Bình dương trong đó có Việt Nam vừa đạt được đồng thuận về một thỏa ước thương mại lớn nhất trong vòng hai thập kỷ qua.

Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương TPP được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích và lợi thế cho các nước nghèo trong khối kinh tế với gần 40% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, TPP với những quốc gia như Việt Nam không phải là chỉ toàn hoa hồng. Và quá trình thực hiện TPP sẽ có thể xuất hiện nhiều yếu tố làm thay đổi luật chơi.

Các điều khoản về lao động chắc chắn dẫn đến những thay đổi lớn trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam một khi tham gia TPP. Việt Nam, nước có quy mô GDP ở mức 186,2 tỷ USD (theo tính toán của Ngân hàng thế giới năm 2014) phải chứng tỏ mình tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế. Theo một phân tích trên tờ Financial Times, các quốc gia như Việt Nam sẽ phải thực hiện trừng phạt những cơ sở áp dụng các khoản phí tuyển dụng có thể khiến người lao động lâm vào nợ nần ngay lập tức. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu lao động, nếu chiểu theo cách làm của các công ty tuyển dụng tại Việt Nam hiện nay. Cũng theo Financial Times, chính phủ Việt Nam sẽ phải cho phép thành lập các nghiệp đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi của người lao động.

TPP cho phép mở cửa rộng hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ví dụ như dệt may. Sẽ có thêm nhiều việc làm. Nhưng bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước buộc phải tuân thủ luật chơi, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động ngặt nghèo, điều mà một số nghị sỹ Mỹ trong đó có cả những nghị sỹ của đảng Dân chủ cầm quyền ở Mỹ, luôn xem là quân bài để mang ra mặc cả mỗi khi có các cuộc vận động liên quan đến Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt sẽ phải làm quen nhiều hơn với các vụ kiện, các cuộc vận động, kêu gọi điều tra được khởi động từ những hiệp hội ngành nghề, từ các nhóm lợi ích, trong đó có cả những lợi ích chính trị mới nghe tưởng chừng không liên quan.

Và TPP có thể xem là một định chế mở, không chỉ giới hạn trong 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Đang có nhiều nước khác xem xét gia nhập như Hàn Quốc, Philippines, Colombia, Campuchia… Ngay cả Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng có thể là thành viên vào thời điểm nào đó, cho dù rất nhiều chuyên gia từng bình luận rằng TPP là phương cách để chính quyền Obama xoay trục về châu Á và kiềm tỏa Trung Quốc.

Đã theo luật chơi của thế giới là phải sẵn sàng với nhiều loại tình huống.

MỚI - NÓNG