Sáng kiến!

Sáng kiến!
TP - Thời gian qua ở Hà Nội, TPHCM từng có những đề xuất “sốc” và đã phá sản ngay lập tức như: bắt ô tô, xe máy lưu hành vào ngày chẵn ngày lẻ theo biển số; rồi đề xuất công chức, giáo viên đi làm lệch giờ nhưng không xét đến việc cha mẹ đi đưa đón con…

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM, Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất thu phí đối với xe máy và ô tô lưu hành vào giờ cao điểm (từ 6h30 - 8h30 và 16h30 - 19h00) tại một số tuyến phốcó mật độ giao thông lớn trong nội đô (mức phí đề xuất là 20.000 đồng/ngày hoặc 500.000 đồng/tháng đối với xe ôtô; 10.000 đồng/ngày hoặc 200.000 đồng/tháng đối với xe máy).

Thêm nữa là bắt buộc học sinh cấp ba, sinh viên đến trường bằng xe buýt và phương tiện công cộng; và cấm ôtô chỉ có một lái xe lưu thông trên đường tại một số tuyến phố trong giờ cao điểm .

Điều này lập tức gây sốc cho dư luận, bởi một cơ quan chuyên môn về  giao thông như Cục Đường bộ VN lại có thể đưa ra các đề xuất phi thực tế và chủ quan đến vậy!? Quả thật, nhìn từ bất cứ giác độ nào của đời sống cũng thấy sự phi thực tế và chủ quan của các đề xuất này.

Như Hà Nội, ít nhất ở 21 nút giao thông hay ùn tắc vào giờ cao điểm thì lực lượng nào sẽ đứng ra kiểm đếm rồi chặn giữ xe máy, ô tô đi vào đường cao điểm để thu phí này?

Phải tăng số CSGT và thanh tra giao thông lên gấp 5 hay 10 lần? Hay là cử lực lượng đến từng nhà để lấy tờ khai rằng vợ (chồng), con cái xem ai thường xuyên đi làm, đi học trên từng tuyến đường mật độ giao thông cao? Hoặc lực lượng và chế tài nào kiểm soát để bắt buộc học sinh, sinh viên phải đến trường bằng xe buýt và phương tiện công cộng?

Xét về mặt luật pháp, các đề xuất nêu trên là biện pháp hành chính. Đã là biện pháp hành chính muốn khả thi thì phải nằm trong tổng thể biện pháp và điều kiện hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng và xe buýt đã thuận tiện và đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của công dân hay chưa. Nếu hạn chế phương tiện cá nhân, vậy công dân đi lại bằng gì?

Nội thành Hà Nội có khoảng 30 trường cấp ba, 40 trường đại học, cao đẳng, 54 cơ quan nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, 136 viện, học viện cùng với hàng nghìn cơ quan hành chính và doanh nghiệp, sẽ có bao nhiêu người làm việc ở các cơ sở này có thể đi làm, đi học bằng xe buýt?

Có phương tiện giao thông công cộng thuận tiện hơn, tiết kiệm hơn thì đương nhiên người dân sẽ tự chuyển sang sử dụng thay cho phương tiện cá nhân. Không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế quyền tự do đi lại của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.

Học tập kinh nghiệm nước ngoài về áp dụng biện pháp hành chính để cấm hẳn hoặc giảm phương tiện xe máy và ô tô cá nhân ở đô thị lớn để tránh ùn tắc là đương nhiên, nhưng không thể “học” để “hành” theo cách chủ quan, phi thực tế! 

Ở đây, dường như các cơ quan đề xuất sáng kiến ở ta không để ý gì đến thực tế phương tiện giao thông công cộng ở đô thị nước ngoài đã đạt được mức độ hiện đại cao, khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tới 60-70%.

Thời gian qua ở Hà Nội, TPHCM từng có những đề xuất “sốc” và đã phá sản ngay lập tức như: bắt ô tô, xe máy lưu hành vào ngày chẵn ngày lẻ theo biển số (kiểu của Mexico); rồi đề xuất công chức, giáo viên đi làm lệch giờ nhưng không xét đến việc cha mẹ đi đưa đón con…

Quả là cứ thấy xứ người làm gì mà mình đem “copy” về xứ mình thì chỉ là thứ sáng kiến kiểu “con kiến mà leo cành đa”! 

MỚI - NÓNG