Sáng tạo làm sai

Sáng tạo làm sai
TP - Nói rõ hơn là sáng tạo trong làm sai, hoặc làm sai với nhiều sáng tạo. Một thực trạng rộ lên trong thời gian gần đầy, làm sai xuất hiện muôn hình vạn trạng ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương

Nổi đình đám như ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ, ghi chức danh lên bao thư thiệp mời đám cưới của con trai. Khi dư luận phê phán, ông Dũng thừa nhận việc làm đó là sai “gây dư luận không tốt”.

Ông Trần Văn Thường, Trưởng công an huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có cha qua đời, Phó trưởng Công an huyện Nguyễn Văn Thiệp ký công văn gửi các cơ quan ở huyện và xã, nhiều cơ quan ở tỉnh, thông báo thời gian phúng viếng. Một việc làm mà Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng đánh giá “xưa nay chưa thấy ai làm”.

Hoặc ông Đỗ Thanh, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, tổ chức đám cưới cho con gái, thấy lịch phân công mấy chục cán bộ nhân viên trong cơ quan đến phục dịch 12 ngày. Ông Thanh cho rằng việc phân công do “bộ phận tham mưu làm” ông không biết, dù phục dịch ở nhà ông, nhưng ông cũng thừa nhận việc đó là “không biết nói thế nào nữa”.

Sáng tạo làm sai ở nước ta vốn có lịch sử. Gần nhất là quá trình thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp, phải làm sai với hệ thống quy định lỗi thời để “tự cởi trói”, phát triển. Nên làm sai quy định được coi là dũng cảm, sáng tạo và có người đã được phong Anh hùng. Tuy nhiên, sáng tạo làm sai thời đó khác với bây giờ, thời đó chủ yếu vì lợi ích của tập thể, của đất nước, nay chủ yếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Có vị đại biểu Quốc hội là nhà văn, đề xuất xây dựng Luật Nhà văn; còn vị đại biểu Quốc hội đang bức xúc chuyện cá nhân thì đề xuất xây dựng Luật Đảm bảo quyền riêng tư. Lại có vị đại biểu Quốc hội là doanh nhân, hỏi Thủ tướng Chính phủ nên đầu tư vào đâu.

Do đó, hồi nào sáng tạo làm sai còn được tôn vinh thì bây giờ nó phải được ngăn chặn, thậm chí xử lý theo pháp luật. Hẳn nhiên, cuộc sống luôn đi tới và pháp luật lại có độ trễ nhưng cũng không vì thế mà tiếp tục ủng hộ sáng tạo làm sai.

Đổi mới phải theo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch thì mới vững chắc. Mỗi khi cuộc sống xuất hiện nhu cầu sửa luật hay thêm luật, phải theo trình tự quy định, không thể “làm đại” rồi mới sửa hay thêm. Bởi như thế, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm dễ xen vào lấn át. Bất chấp quy định còn có thể dẫn tới sự khuynh đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.