Sao không xử “nguội” ?

Sao không xử “nguội” ?
TP - Hình ảnh CSGT đu người trên cần gạt nước hay xoài người trên nắp capô quyết chặn xe vi phạm không phải là hiếm. Tuần trước giữa đường phố thủ đô, một thượng sĩ CSGT đã phải đu người trên cần gạt nước một chiếc xe khách 29 chỗ đi sai làn mới buộc chiếc xe này dừng lại.

> Không khuyến khích CSGT nhảy nắp ca-pô

Ngay lập tức, thông tin kèm clip về hành động dũng cảm trên đã được nhiều trang báo mạng đăng tải. Không dũng cảm sao được khi các anh bất chấp cả mạng sống của mình để thực thi nhiệm vụ, để chặn đứng những “hung thần xa lộ” có thể gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

Cộng đồng mạng cũng lên án ý thức chấp hành luật pháp, chấp hành hiệu lệnh của CSGT vô cùng kém của những tài xế nói trên, và yêu cầu có hình thức xử phạt thích đáng để răn đe.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cũng bày tỏ lo lắng rằng, liệu các anh CSGT có nhất thiết phải hành động nguy hiểm đến thế không? Hình ảnh đó vừa không đẹp chút nào giữa phố phường, lại rất dễ gây tai nạn cho chính các anh trong lúc làm nhiệm vụ.

Hơn nữa, nó dễ làm cho nhiều người băn khoăn, chẳng lẽ trang thiết bị hỗ trợ nghiệp vụ của CSGT nghèo nàn đến thế sao? Không lẽ các anh không thể thông báo tới các chốt khác trên hành trình xe vi phạm có thể đi qua để tóm gọn?

Dù hành động kiên quyết thực thi nhiệm vụ, chặn xe vi phạm đó rất dũng cảm, song nó lại vô tình phần nào làm ảnh hưởng tới tính uy nghiêm, chuyên nghiệp của CSGT.

Các anh hoàn toàn có thể dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác buộc chiếc xe đó phải dừng bánh để xử phạt vào thời điểm khác, trừ phi phải bắt quả tang tội phạm hình sự hoặc ngăn chặn một hành động nguy hiểm sắp xảy ra với mọi người.

Nếu lái xe trên đường tại Đức và nhiều nước châu Âu khác, hầu như bạn sẽ không nhìn thấy CSGT đâu cả, nhưng nếu vi phạm luật giao thông bạn sẽ khó mà thoát nổi việc nộp phạt.

Ví dụ như lỡ chạy quá tốc độ cho phép tại Đức, chỉ vài ngày đến 1 tuần sau bạn sẽ nhận được giấy mời nộp phạt kèm ảnh chụp rõ nét (cả xe lẫn người lái) tại thời điểm vi phạm từ cảnh sát.

Nếu chây ỳ không nộp, chắc chắn sẽ phải ra hầu tòa với mức phí tổn lớn gấp nhiều lần. Những người Việt định cư tại Đức kể rằng, phạt kiểu này muốn xin xỏ hay hối lộ cũng chả có cách nào vì có biết họ là ai đâu, còn muốn khiếu nại thì xin mời đến trụ sở theo địa chỉ ghi rõ trong giấy phạt.

Vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng. Song nếu luật pháp ở ta đủ mạnh và đủ nghiêm, nếu CSGT ở ta tăng cường ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để có bằng chứng xử phạt “nguội”, chắc hẳn việc xử phạt “nóng” đang diễn ra thường xuyên sẽ bớt hẳn.

Và công việc của các anh CSGT cũng sẽ bớt đi sự nguy hiểm, sẽ không còn cảnh đu người trên cần gạt nước hay nằm xoài trên nắp capô như hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG