Sau trống khai trường

Sau trống khai trường
TP - Chuyện không còn mới, nhưng qua một thời gian dài ngành giáo dục chạy theo bệnh thành tích, phô trương, hình thức thành ra quên lúc nào không hay ngày khai trường tinh khôi, náo nức thuở nào.

Khai trường ngày chưa xa ấy đã đi vào thơ, nhạc, ríu rít với tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo cho đến tận bây giờ. Năm nay khai trường có chỉ đạo trả lại không gian ấy, môi trường ấy cho các em học sinh chỉ mới dừng lại ở chuyện khống chế thời gian và hạn chế những diễn văn lê thê, dài dòng, sáo rỗng mà đã mang đến một luồng sinh khí mới: Náo nức, sôi động và thiết thực hơn. Một dấu hiệu tích cực cho năm học mới?

Có thể nhiều người theo chủ nghĩa lạc quan sẽ vội hân hoan ghi nhận. Lướt trên diễn đàn mạng ngay sau ngày khai trường đã thấy đầy những tâm trạng, cảm xúc cùng những ấm ức khó tỏ thành lời. Khi đụng đến khái niệm lạm thu, loạn thu đầu năm học trên các trang báo, tức thời nhận được những bình luận vừa cay đắng, vừa chua chát và cả mỉa mai. “Không tiền đố trò làm nên” hay “ Qua sông phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải nhịn tiêu dài dài…”. Có nhiều tờ báo tổ chức thăm dò các cung bậc ái ố ấy và kết quả là có đến hơn 90% bậc phụ huynh bày tỏ sự nghẹn ngào và cay dắng trước thực trạng này. 

Thật khó hình dung nổi, khi tiếng trống khai trường vừa ngưng, thì trong từng gia đình đôn đáo ngược xuôi lo các khoản nộp cho con đầu năm đến mướt mồ hôi. Chạy vạy, vay mượn, cầm cố.  Không trường nào giống trường nào.  Mỗi trường có một cách lạm thu riêng nhưng đều dưới mĩ từ “tự nguyện”. Có trường ngoài 18 khoản do nhà trường đưa ra, như: Tiền học phí; phụ phí, điện nước, vệ sinh; in đề kiểm tra; bảng từ chống lóa; ghế nhựa cao; học bạ; giấy chứng nhận vào lớp 10; thẻ học sinh; áo đồng phục mùa hè; áo đồng phục mùa đông; đồng phục thể thao; áo dài (đối với nữ); bảo hiểm tai nạn học sinh; Quỹ chữ thập đỏ; quỹ khuyến học; gửi xe đạp; sách giáo khoa bổ trợ; học bổ trợ. Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp xã hội hóa 11 khoản nữa, bao gồm: Máy chiếu; rèm che nắng;  trang trí lớp; cây cảnh; quỹ phụ huynh trường; quỹ phụ huynh lớp; ủng hộ xây dựng trường chuẩn quốc gia; ủng hộ hũ gạo tình thương; ủng hộ nghiên cứu khoa học…

Công luận còn nhớ và đã có lúc hi vọng cùng tin tưởng rằng với hàng loạt công văn cùng chỉ đạo từ bộ xuống sở, đến phòng cùng lãnh đạo các địa phương rằng, cần xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học dẫn đến tình trạng lạm thu,loạn thu… 

Ấy thế nhưng, mấy niên học đã trôi qua, tình trạng lạm thu, loạn thu đã biến hóa khôn lường và thành nạn. Đã mấy hiệu trưởng, giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục bị xử lí nghiêm về chuyện này?

Và khi giọt nước tràn li, điều gì đến nó sẽ đến. Có trường Mầm non đã không có nổi một học sinh nào vì phụ huynh quyết không tiếp tay cho lạm thu, chấp nhận cho con nghỉ học.

Chuyện chống lạm thu, loạn thu có khó không? Chắc chắn là không khó nếu trên dưới đồng lòng, quyết tâm xóa tan những nhóm lợi ích vì một môi trường giáo dục trong lành và tiến bộ. 

MỚI - NÓNG