Siết xe quá tải, vì sao Vasep 'than thở'?

Siết tải trọng các phương tiện vận tải để bảo vệ đường. Ảnh minh họa
Siết tải trọng các phương tiện vận tải để bảo vệ đường. Ảnh minh họa
TP - Trong những ngày qua, cả nước rầm rộ thực hiện việc siết tải trọng các phương tiện vận tải, đặc biệt là xe tải, xe container. Mục tiêu thì ai cũng rõ, là để bảo vệ đường sá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít vấn đề mà hệ lụy là một số ngành sản xuất, kinh doanh gặp khó, ngay trong lúc kinh tế khó khăn.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) lên tiếng việc quy định về tải trọng container gây khó khăn cho ngành xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam. 


Theo Vasep, hàng thủy sản đông lạnh, đồ hộp...khi xuất nhập khẩu đều thực hiện theo thông lệ quốc tế là đóng hàng trong container 40 feet tương đương 28 tấn hàng. Nhưng theo quy định hiện hành của Bộ Giao thông-Vận tải, container 40 feet nhưng chỉ được phép chuyên chở 21 tấn hàng (giảm 25% trọng lượng). Theo Vasep, khách hàng nước ngoài không chấp nhận điều này.

Và nếu căn cứ theo quy định mới, đối với mỗi tấn hàng thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp phải trả thêm 880.000 đồng phí vận chuyển. Với lượng thủy sản xuất khẩu khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn/năm như hiện nay, mỗi năm các DN thủy sản Việt Nam phải trả thêm từ 1.056 - 1.144 tỷ đồng (50,3 - 54,5 triệu USD) phí vận chuyển. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, tăng thêm chi phí đồng nghĩa với việc khó lại thêm khó.

Và đâu chỉ riêng ngành xuất khẩu thủy sản gặp khó. Ở Đồng Nai, mọi năm, ở thời điểm này, giá xoài được thương lái mua thấp nhất cũng được 7.000 đồng/kg, nhưng từ đầu tháng 4 giá xoài chỉ còn 3.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng thương lái cũng chỉ mua cầm chừng. Một người kinh doanh xoài ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho hay, trước đây mỗi ngày ông bán khoảng 10 tấn xoài thì nay thương lái chỉ mua khoảng 3 tấn/ngày.

Với mức giá và lượng bán ra như thế, nhà vườn đang lỗ nặng. Thật trớ trêu là nguyên nhân xoài rớt giá lại được cho là đến từ việc… siết tải trọng xe tải. Thương lái nọ giải thích: “Trước đây mỗi xe tải thường chở trên 20 tấn. Xe giảm tải, nhưng cũng chừng đó đầu xe nên lượng hàng bị ứ đọng”. Đầu nậu buộc phải giảm giá mua để chi cho giá vận tải.

Tất nhiên, không thể so sánh chuyện container xuất khẩu thủy sản theo quy ước quốc tế với mấy ông chở xoài đã quá quen với việc xe 7 tấn mà chở đến 20 tấn. Tuy nhiên, có những quy định, như quy định về kích thước và tải trọng container, có nhiều vấn đề cần được xem lại cho phù hợp. Một doanh nghiệp chuyên về vận tải cho rằng, Công ước quốc tế về container, tiêu chuẩn ISO 668: 1995 quy định kích thước và tải trọng của container nói rằng, container 40 feet có tổng tải trọng hàng hóa 30,48 tấn, container 20 feet có tổng tải trọng hàng hóa 24 tấn.

Các nhà sản xuất phương tiện giao thông ở nước ngoài luôn để trọng lượng thiết kế đúng với công thức trên. Nhưng các nhà sản xuất trong nước phải dựa vào Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với rơmoóc và sơmi rơmoóc theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải VN. Nhưng tuân theo các tiêu chuẩn của thế giới trong vận chuyển thì hàng hóa nước ta mới có thể vận chuyển đi khắp các nước trên

thế giới.

Siết xe quá tải là việc cần làm, nhưng quy định gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp thì cần phải điều chỉnh sớm.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).