Số lượng & chất lượng

Số lượng & chất lượng
TP - Tuần trước, phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp ngày 26/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : “Cần một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu.

Anh xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị thấp, thương hiệu không được xây dựng, đây là tồn tại rất lớn lâu nay”. Người đứng đầu Chính phủ cũng tuyên bố sẽ sớm bãi bỏ mọi rào cản đối với sự phát triển của nông nghiệp, tập trung cho nông nghiệp công nghệ cao. Một gói tín dụng vay ưu đãi cho bất kỳ ai muốn “lao tâm khổ tứ” với nông nghiệp công nghệ cao lên tới 50 ngàn tỷ đồng cũng đã được Thủ tướng đồng ý triển khai.

Tuần này, tại hội nghị gặp gỡ các nhà khoa học nông nghiệp, do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 3/1, GS - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam trăn trở: “Chúng ta tự hào 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng lúa xuất khẩu được 3 tỷ USD thì chi hết 2,9 tỷ. Đó là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp, chúng ta phụ thuộc nước ngoài từ thức ăn, cây, con giống, thuốc trừ sâu, phân bón…”. Còn Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thì khẳng định: “Nếu nông nghiệp đi theo mô-típ cũ, thất bại là cái chắc, vì không thể sản xuất lớn với 13,8 triệu hộ, 78 triệu mảnh ruộng”.

Hàng loạt các kiến nghị đề xuất, từ chính sách cho tích tụ ruộng đất cho tới việc “đặt hàng”, “cởi trói” các nhà nông học đã được nêu lên. Rằng, không nên khư khư giữ 3,8 triệu ha trồng lúa nữa, chỉ cần 3 triệu ha là quá đủ. Bởi thực tế cho thấy, năm nay chỉ riêng xuất khẩu rau (2,4 tỷ USD) đã vượt qua giá trị xuất khẩu gạo tầm vóc cường quốc mà chúng ta từng tự hào một thời (2,1 tỷ USD).

Tất cả điều đó cho thấy, đã đến lúc hội đủ điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng thực sự trong nền nông nghiệp nước nhà. Một “khoán 10” lần hai trong nông nghiệp, nhưng lần này thay vì mục tiêu sản lượng giúp đưa VN từ chỗ thiếu ăn tới vị thế một cường quốc xuất khẩu gạo, nền nông nghiệp Việt Nam phải chuyển hoàn toàn sang sản xuất hàng hóa giá trị cao bằng tích tụ ruộng đất và ứng dụng công nghệ cao. Một nền nông nghiệp không tính theo đơn vị khối lượng triệu tấn, mà phải tính theo đơn vị giá trị hàng hóa, tức bán được bao nhiêu tiền, bao nhiêu tỷ đô la xuất khẩu. Một nền nông nghiệp lấy chất lượng thay cho số lượng.

Để làm được điều này, không những cần một “cuộc cách mạng” trong nhận thức về làm nông bấy lâu nay của hàng chục triệu người nông dân, mà còn cần một môi trường, một chính sách làm “bà đỡ” cho những mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển, trong đó có yếu tố sống còn là thị trường tiêu thụ sản phẩm.

MỚI - NÓNG