Sốc cho bệnh nhân nghèo

Sốc cho bệnh nhân nghèo
TP - Sau năm lần bảy lượt đưa ra bàn thảo về điều chỉnh giá viện phí, mới đây, Bộ Y tế đã thông qua dự thảo về việc giá viện phí sẽ tăng lên từ 7-10 lần so với trước. Thông tin này khiến không ít bệnh nhân nghèo cảm thấy sốc thực sự.

> Tăng viện phí: Cần lộ trình chống sốc

Vẫn thông cảm cho những kêu ca của các bệnh viện khi giá cả các mặt hàng đều tăng, thậm chí tăng phi mã trong khi bác sĩ vẫn phải ngồi khám bệnh với tiền công chỉ 3.000 đồng/lượt khám; những giường bệnh chỉ lấy 20-30.000 đồng/giường/ngày...

Nhưng việc tăng viện phí kiểu nhảy cóc như nội dung của dự thảo mà Bộ Y tế đưa ra và giờ sắp thành hiện thực, quả thật khó có thể thông cảm. Trong khi đó, hầu hết lãnh đạo bệnh viện công từ nhỏ đến lớn cũng kêu ca cùng Bộ Y tế để tăng viện phí.

Người ta kêu giá viện phí từ cách đây gần 20 năm đã lỗi thời, trong thời buổi giá cả đắt đỏ hiện nay không tăng khó sống. Nhưng chẳng người bệnh nào biết được hầu hết các bệnh viện này đã xé rào tăng giá bất hợp lý từ nhiều năm nay.

Kêu khung viện phí quy định từ năm 1995 đã èo uột nhưng từ nhiều năm nay, mỗi lần đóng phí khám bệnh, phí xét nghiệm, phí phẫu thuật, người bệnh đều phải trả cho cái giá đã được xé rào. Kiểu làm ăn "cầm đèn chạy trước ô tô" như vậy khác gì hành động qua mặt bệnh nhân.

Có ý kiến cho rằng viện phí tăng, ảnh hưởng đến người nghèo nhưng hơn 15 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được Nhà nước cấp toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế và được bảo hiểm y tế thanh toán đến 95% chi phí khám chữa bệnh nên chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ không đè nặng như trước!

Thế nhưng thử hình dung, 5% tiền mà người bệnh thanh toán cho một căn bệnh nan y đối với bệnh nhân nghèo cũng không hề nhỏ. Đó là chưa kể những người bệnh cận nghèo, ăn bữa mai lo bữa hôm… không mua được thẻ bảo hiểm y tế, còn khó khăn bội phần. Đã có không ít người bệnh như thế phải cắn răng chờ chết vì giá thuốc đắt đỏ và viện phí quá cao.

Viện phí tăng sau gần 20 năm "ngủ yên" là có cơ sở, nhưng ở đây nhiều người đặt câu hỏi là tại sao viện phí tăng không có lộ trình? Từ 3.000 đồng/lần khám tăng lên 30.000 nghìn là kiểu tăng nhảy cóc! Sốc hơn khi các kỹ thuật cao đòi hỏi chi phí lớn cũng tăng vọt theo kiểu… phi nước đại.

Và ai dám chắc chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với sự gia tăng chóng mặt của viện phí không? Hay người bệnh vẫn phải chen chúc ngoài hành lang, nằm vật vờ 3 - 4 người trên một chiếc giường còn chất lượng phục vụ của nhân viên y tế thì vẫn không cải thiện được?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG