Sơn tinh đơn độc

Sơn tinh đơn độc
TP - Có gì đó như mỉa mai khi cơn bão số 8 đang sắp đổ bộ vào miền Trung được đặt tên là Sơn Tinh -vị thần biểu tượng chống lại lũ lụt của Việt Nam.

> Bão Sơn Tinh tiến thẳng vào miền Trung

Từ bao đời nay, khúc ruột miền Trung luôn phải hứng chịu nhiều bão lũ và Sơn Tinh ở đây đã nhiều lúc chới với trước sự hung hãn của Thủy Tinh.

Thời nay, Sơn Tinh dường như cô đơn hơn trong khi Thủy Tinh lại có thêm được những “đồng minh” .

Những hồ thủy điện mọc lên như nấm trên các con sông có độ dốc lớn ở miền Trung, chẳng khác nào những quả bom nước khi mưa bão dữ dội ập đến.

Mới đây, lượng nước lớn từ thượng nguồn bất ngờ đổ về đã làm cho đập chắn công trình thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) bị vỡ, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân.

Thủy điện sông Tranh từ lâu đã trở nên mong manh dễ vỡ trước hàng chục trận động đất, đến mức không dám tích nước để hoạt động.

Nghịch lý thay, khi thuỷ điện mọc lên thì rừng đầu nguồn ở miền Trung lại bị triệt hạ, lũ lụt vì thế càng hung hãn và khó lường.

Thủy điện cứ mọc lên, rừng cứ biến mất nhưng những cơn bão thì luôn “đúng hẹn” với miền Trung.

Cơn bão Sơn Tinh lần này có tốc độ gấp đôi tốc độ thuyền của ngư dân, khiến cho những cuộc chạy bão nhiều khi trở nên tuyệt vọng.

Mới thấy, thiên tai bão lũ ngày một khắc nghiệt hung dữ hơn trong khi khả năng chống chọi, thích nghi của con người lại vẫn ở những giới hạn cũ.

Những tàu thuyền vẫn bị tốc độ của bão vần vũ, những con đê không ngăn được sóng lớn, nhà cửa, đường sá, cầu cống miền Trung đã bao lần bị bão lũ tàn phá, trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Sức người miền Trung cũng đã bị bão lũ, hạn hán...bào mòn đến độ khó kiên cường trước những trận hồng thủy.

Hình ảnh ám ảnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần trong các trận lũ miền Trung là cảnh những bàn tay nhô ra từ mái nhà ngập nước kêu cứu trong bất lực.

Người ta tự hỏi tại sao rốn bão túi mưa miền Trung lại không thể “nâng cấp” khả năng phòng chống thiên tai của mình? Tại sao những dự án về xuồng cứu hộ, xuồng không lật, những công trình chống lũ, đê kè hay các dự án chống biến đổi khí hậu lại ít hiện thực và hiệu quả ở miền Trung? Trong khi, miền Trung đã quá lạm phát các công trình thủy điện, các dự án khai thác khoáng sản hầu như chỉ làm cho rừng và sông suy kiệt.

Miền Trung đang cần một chiến lược dài hạn và sự đầu tư thích đáng cho việc phòng chống thiên tai, để nâng sức đề kháng và ứng phó trước những diễn biến ngày càng khó lường của bão lũ... Tâm thế chủ động ấy sẽ tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy, tránh được sự lúng túng, hoảng loạn khi thiên tai ập đến.

Điều đó cần hơn, căn bản hơn việc cứ sau mỗi trận bão lũ, lại có những đợt vận động ủng hộ quyên góp cứu trợ miền Trung. Và rồi năm sau đến hẹn lại lên, bão lại tàn phá, lại thiệt hại, và lại quyên góp...

Nói một cách hình ảnh, Sơn Tinh cần rừng cần đê, cần những con sông không bị băm nát làm thủy điện, cần những con người biết bảo vệ môi trường và đủ điều kiện ứng phó với thiên tai…

Như thế, mới khả dĩ đủ sức chống chọi với những cơn bão Sơn Tinh nhưng lại mang linh hồn Thủy Tinh. Miền Trung đừng để Sơn Tinh đơn độc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG