Sống chung hơn can thiệp

Sống chung hơn can thiệp
TP - Nếu sắp tới có các công trình lớn kiểm soát mặn và lũ ở ĐBSCL như tuyên bố hôm qua tại hội thảo lịch sử về thích ứng biến đổi khí hậu tổ chức ở Cần Thơ, có lẽ nên cân nhắc một khi muốn thu nhập bình quân đầu người năm 2050 ở đây đạt 10.000 USD một cách bền vững.

Cùng với nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL, từ nay đến 2020, các cấp các ngành có nhiệm vụ giải ngân ít nhất một tỉ USD để làm hệ thống cống điều tiết ở Kiên Giang ngăn mặn xả ngập và ở An Giang điều tiết lũ. Mặn và lũ là hai thuộc tính vốn có làm nên một hệ sinh thái ĐBSCL 8000 năm tuổi. Cho đến trước thời kỳ đổi mới cuối những năm 1980, chưa ai có ý đồ can thiệp vào hai hiện tượng thiên nhiên cố hữu ấy.

Từng có không ít giải pháp công trình hàng ngàn tỷ đồng nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Có thể kể đến dự án thoát lũ sông Mekong, cái chúng ta từng coi là thủ phạm cản trở kế hoạch trồng lúa đa vụ thay vì chỉ cần một vụ như các nước láng giềng. Xương sống của dự án là con kênh Vĩnh Tế mà cha ông ta từng đào. Ngày rằm tháng chạp năm Kỷ Mão (1819), theo chỉ dụ của vua Gia Long,  kênh được khởi công nhằm gia tăng giao thương đường thuỷ, chấn hưng và bảo vệ miền viễn tây. Vậy mà đầu những năm 1990, ta làm nó sống lại với mục đích khác. Suốt 30 năm qua, lũ chẳng những không thoát được bao nhiêu ra Biển Tây mà còn làm đảo lộn sinh kế dựa vào lũ trên vùng tứ giác Long Xuyên của nhiều triệu người.

Lịch sử của các nước cho thấy các công trình trị thủy chỉ phát huy tác dụng trong ngắn hạn và để lại hậu quả rất khó khắc phục. Mangal Man Shakya, Liên minh Bảo tồn Quốc tế, nói nếu Việt Nam thực sự muốn phát triển nông nghiệp thông minh thì một trong những việc đầu tiên là giảm can thiệp thiên nhiên, tăng cường thích ứng và phục hồi thiên nhiên, trong đó có rừng ngập mặn.

TS Nguyễn Đức Thắng, từng có 10 năm làm việc ở Bộ Kế hoạch&Đầu tư cho hay rừng ngập mặn là đê chắn sóng biển hơn đứt đê bê tông vĩ đại của Hà Lan: “Trời không cho Hà Lan rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển vì ¼ đất của họ dưới mực nước biển. Trời phú cho chúng ta nhiều thứ trong đó có đê rừng tự mọc, không đòi hỏi kinh phí xây dựng nên không cần làm báo cáo tiền khả thi, các phê duyệt nọ kia và, vì thế, ít có nguy cơ tham nhũng”.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay nửa diện tích rừng ngập mặn ở ĐBSCL đã biến mất. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần sớm có văn bản để duy trì bằng được 227.000 ha rừng còn lại, nhất là 63.000 ha rừng ngập mặn và không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Đúng như bộ trưởng Cường nói, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ bắt buộc phải dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc hướng các dự án đầu tư vào phục hồi sinh thái bản địa, thích ứng với mặn và lũ hơn là can thiệp vào chúng.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.