Sống trong sợ hãi

Sống trong sợ hãi
TP - Trước thông tin từ mạng lưới cảnh báo quốc tế INFOSAN thuộc Tổ chức Y tế Thế giới về nhiễm phóng xạ trong một số sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và thực phẩm từ Nhật Bản về Việt Nam phải xuất trình giấy chứng nhận an toàn phóng xạ do cơ quan quản lý có thẩm quyền tại Nhật Bản cấp.

>> Phóng xạ tại Fukushima 1 đã cao gấp 10 triệu lần

Vậy là cuối cùng, sau bao ngày rập rình, cơ quan chức năng đã quyết định làm một điều gì đó, hay nói cách khác là kết luận rõ ràng về vấn đề thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, nơi đang hứng chịu cuộc khủng hoảng từ các nhà máy điện hạt nhân.

Nhưng qua sự việc này, người dân khó có thể yên tâm, khi cơ quan chức năng của ta gần như bị động và phụ thuộc khá nhiều vào giới chức nước đối tác, nơi xuất xứ hàng hóa.

Ngày 25-3, một lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói rằng người tiêu dùng Việt Nam “hoàn toàn không nên quá lo lắng bởi vì Nhật Bản là nước phát triển và họ rất công khai, minh bạch trong vấn đề thông tin đến người tiêu dùng không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới.

Việc họ thông tin là nước uống hoặc nước biển đã có mức độ nhiễm phóng xạ cao hơn quy định, phát hiện phóng xạ trong sữa, trong rau cho thấy rõ điều này”.

Đành rằng người Nhật đã chứng tỏ trách nhiệm và uy tín đối với sản phẩm của họ từ nhiều năm nay, nhưng là cơ quan coi sóc sự an toàn vệ sinh miếng ăn thức uống của người dân, những người có trách nhiệm của cục nói trên không thể hoàn toàn trông chờ người ngoài.

Lại càng lo ngại khi chính vị lãnh đạo nọ, sau khi trấn an người dân cũng thừa nhận, trên thực tế, những thiết bị kiểm tra tại các cửa khẩu nước ta chưa đủ điều kiện kiểm tra phóng xạ những lô hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.

Các thiết bị di động ở cửa khẩu chỉ kiểm tra được mức độ nhiễm xạ ở bề mặt, chứ không có ý nghĩa nhiều đối với thực phẩm như thịt, rau, nước uống... mà phải có những phòng kiểm tra chuyên dụng. Trong khi ấy, cả nước mới có 4 cơ sở có khả năng kiểm tra và phát hiện mẫu thực phẩm nhiễm xạ, 2 ở Hà Nội, 1 ở Đà Lạt và 1 ở TPHCM.

Và đâu chỉ xảy ra sự cố rành rành như nổ nhà máy điện hạt nhân, chuyện nhiễm xạ hàng hóa, thực phẩm mới cần được đặt ra. Bất cứ người bình thường nào cũng hiểu, việc nhiễm độc đối với hàng hóa, thực phẩm có thể xảy ra dưới nhiều dạng thức, có thể đến từ nhiều quốc gia khác ngoài Nhật Bản.

Rõ ràng, công chúng hoàn toàn có lý do để lo lắng khi những thống kê mới đây cho thấy, hàng hóa nước ngoài, đặc biệt từ một số nước láng giềng đang tràn ngập Việt Nam, từ giày dép, quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em đến các loại thực phẩm, rau, củ, quả… trong khi những hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực sự được dựng lên.

Trong bối cảnh ấy, đặt vấn đề kiểm soát an toàn phóng xạ với dòng hàng hóa hàng chục tỷ USD/năm, có lẽ là điều không tưởng. Câu chuyện “sống trong sợ hãi” chắc chắn vẫn chưa có hồi kết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG