Sự xấu hổ cần thiết

Sự xấu hổ cần thiết
TP - Tuần qua, hình ảnh dòng xe của người Nhật chạy một hàng ngay ngắn nối đuôi nhau trong trật tự, bình thản đi sơ tán vì báo động sóng thần sau động đất tại Fukushima, được đăng tải trên hầu hết các trang báo mạng của Việt Nam.

Đã có rất nhiều lời ca ngợi và ngưỡng mộ tính kỷ luật, trật tự, tôn trọng cộng đồng, ngay cả trong lúc hiểm nguy của bạn đọc dành cho người Nhật. Thậm chí trên mạng xã hội còn lan truyền nhanh chóng hai hình ảnh tương phản: Cảnh sơ tán sóng thần của người Nhật và cảnh đi làm buổi sáng của người Việt. Một bên là sự văn minh, trật tự trong tình huống khẩn cấp – báo động sóng thần ở Nhật Bản. Và một bên là sự hỗn loạn, tắc đường vì lấn làn, không ai chịu nhường ai – cảnh đi làm thường nhật ở Hà Nội.

“Người Nhật di tản sóng thần và người Việt đi làm đấy cả nhà - Xấu hổ ghê chưa?”, một dòng bình luận trên mạng viết. Thiết nghĩ, đó là sự tự “xấu hổ” cần thiết, một sự xấu hổ mang cảm giác tích cực, một sự so sánh, một sự thức tỉnh giúp chúng ta ứng xử có văn hóa hơn, nhường nhịn nhau hơn mỗi khi tham gia giao thông. Và rộng hơn là trong mọi ứng xử khác nơi công cộng.

Nhưng mọi sự so sánh sẽ là khập khiễng nếu không đặt được về cùng một hệ quy chiếu. Sự trật tự, văn minh trong giao thông ở Nhật Bản, kể cả trong tình huống khẩn cấp, cũng cần phải có điều kiện và căn nguyên của nó. Nhật là một quốc gia phát triển, có hạ tầng giao thông thuộc diện hiện đại và tốt nhất thế giới. Tính kỷ luật, sự tự trọng, tự giác được đề cao trong văn hóa Nhật. Trẻ em Nhật Bản từ bé đã được giáo dục, dạy dỗ rất bài bản để trở thành một công dân tốt, biết tôn trọng cộng đồng, môi trường thiên nhiên, biết các kỹ năng để sinh tồn trong các trường hợp khẩn cấp như động đất, sóng thần…

Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề của tăng trưởng nóng, trong đó có sự quá tải và nghèo nàn của hạ tầng giao thông. Vậy nên, sự ngột ngạt, chen chúc và đôi khi là hỗn loạn của giao thông trong một thành phố gần chục triệu dân, nhưng lại không có tàu điện ngầm, âu cũng là điều dễ hiểu.

Song vấn đề ở chỗ, giáo dục và ý thức con người cần phải đi trước một bước, trước khi mong chờ có hành động tốt đẹp trong tương lai. Và điều này hoàn toàn có thể làm được nếu ngành giáo dục thấu hiểu vấn đề và quyết tâm thực hiện. Hãy bắt đầu bằng hệ thống giáo dục phổ thông, nên dạy cho học sinh những ứng xử chuẩn mực nơi công cộng, từ việc phải xếp hàng chờ đến lượt khi có nhiều hơn 1 người, nói nhỏ nơi công cộng, văn hóa đi thang máy, đi xe buýt, đi tàu điện ngầm (TPHCM và Hà Nội cũng sắp có, dạy dần là vừa)… đến những việc lớn hơn như sự nhường nhịn, tuân thủ pháp luật.

Và quan trọng hơn, cần tạo ra sự thay đổi căn bản cho phụ huynh, học sinh, và cả xã hội rằng, những kiến thức, kỹ năng để trở thành công dân trong một xã hội văn minh là môn học phổ thông có vị trí thực sự quan trọng, được đánh giá cao, không thua kém gì Toán, Văn hay ngoại ngữ cả. 

MỚI - NÓNG