Sức mạnh người tiêu dùng

Sức mạnh người tiêu dùng
TP - Giá xăng dầu giảm sâu, tổng cộng tới gần 40% kể từ 7/2014, ấy vậy mà cước vận tải chỉ giảm chiếu lệ, chây ỳ, ngang nhiên móc túi hàng chục triệu người tiêu dùng.

Trước bức xúc của dư luận, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng buộc cước vận tải ôtô phải giảm giá tương xứng với mức giảm của xăng dầu trước Tết, hôm qua 3 đoàn kiểm tra liên ngành Tài chính - GTVT đã bắt đầu kiểm tra hàng loạt DN vận tải lớn trên khắp cả nước. 

Theo Bộ Tài chính, các DN vận tải sẽ phải xuất trình báo cáo quyết toán tài chính năm 2013, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2014 và toàn bộ hồ sơ kê khai niêm yết giá từ tháng 7/2014 đến nay. Trên cơ sở đó nếu phát hiện cước vận tải cao bất hợp lý sẽ thu hồi khoản chênh lệch đó, coi như là khoản lợi nhuận bất hợp pháp. Các đơn vị không chịu hạ giá cước vận tải sẽ bị bêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người tiêu dùng tẩy chay.

Như vậy, rõ ràng khi các cơ quan quản lý nhà nước thực sự quyết tâm vào cuộc, chắc chắn vẫn có đủ chế tài để buộc các DN vận tải giảm giá cước, chấm dứt hành vi “bắt tay nhau” trắng trợn móc túi người tiêu dùng. Còn nhớ, sau lần xăng giảm giá kỷ lục vào ngày 22/12/2014, nhưng suốt hơn 3 tuần sau đó cước vận tải vẫn “tỉnh bơ” bất chấp sự bức xúc của người tiêu dùng, ngày 14/1/2015 báo Tiền Phong đã phải giật tít trên trang nhất: “Xăng dầu giảm, cước vận tải “lặng thinh”: Cơ quan quản lý bất lực?”. Trong bài báo đó, PV Tiền Phong chất vấn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính): Cục có tính xử lý DN vận tải “chây ỳ” không giảm giá cước? Ông Cục trưởng đáp rằng: “Không có luật nào yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá ngay mà phải theo quy trình quản lý giá. Trên cơ sở biến động giảm yếu tố đầu vào, các cơ quan quản lý mới có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại”. Và biện pháp khi đó của Cục này, theo ông Tuấn, vẫn chỉ là gửi văn bản yêu cầu các tỉnh, các DN báo cáo và chờ… tổng hợp.

Nhưng công luận và người dân thì không thể chờ được. Nhiều báo đài, trong đó có Tiền Phong tiếp tục “Thiếu biện pháp đủ mạnh”(Tiền Phong 15/1); “Trách nhiệm thuộc Bộ Tài chính?” (Tiền Phong 16/1); “Hơn 60% DN vận tải tại Hà Nội phớt lờ “lệnh” của Bộ GTVT” (Tiền Phong 20/1); Nghịch lý giá xăng, giá cước: Phải cậy Chính phủ mới xong? (Tiền Phong 21/1); Một số doanh nghiệp vận tải vô trách nhiệm với xã hội (Tiền Phong 22/1)... Và cuối cùng, những biện pháp kiên quyết nhất đã được thực thi, đáp ứng mong mỏi chính đáng của người dân : Thủ tướng chỉ đạo giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán (Tiền Phong 22/1); Đồng loạt kiểm tra giá cước vận tải (Tiền Phong 26/1); Sẽ thu hồi lợi nhuận bất hợp lý của doanh nghiệp vận tải (Tiền Phong 28/1).

Sự quản lý của nhà nước, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đòi hỏi của bạn đọc và công luận sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp buộc những hành vi kinh doanh gian dối, những yếu tố phi thị trường không còn chỗ đứng trong xã hội.

MỚI - NÓNG