Tắc từ kỷ cương

Tắc từ kỷ cương
TP - Hình ảnh “Cầu Tó thất thủ” xảy ra mới đây thực sự gây sốc dư luận. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nếu tới đây thành phố không quyết liệt, thì cầu Tó còn tắc thêm nữa. 3 tiếng, thậm chí 10 tiếng.

Thực tế, những cảnh báo về sự “thất thủ” của giao thông Thủ đô đã được nêu ra hàng chục năm nay. Nguyên nhân gây ùn tắc cũng đã được chỉ rõ như  dân số tăng, phương tiện tăng, thiếu tàu điện ngầm, thiếu đường, thiếu xe buýt, thiếu tiền, thiếu ý thức, thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn…

Từ đó, bao nguồn lực đã được chi ra mở rộng Thủ đô, để di dời xí nghiệp, trường học, trụ sở…, để phân làn, xén vỉa hè, xây những con đường “đắt nhất hành tinh”… Về mặt pháp luật, Quốc hội cũng ban hành Luật Thủ đô, với những cơ chế đặc thù về xử phạt giao thông, quản lý cư trú, đầu tư, thu hút vốn, trật tư đô thị… để thành phố có đầy đủ hành lang pháp lý giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị. Nhưng, bao năm qua, hiệu quả đạt được trong quản lý đô thị, nhất là giải quyết bài toán giao thông đạt được là rất thấp, ùn tắc vẫn là câu chuyện xảy ra hằng ngày ở Hà Nội.

Vì thế, việc Hà Nội tiến hành một cuộc đại phẫu giao thông lúc này là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, đại phẫu bằng những giải pháp gì, cơ chế gì, chính sách gì là những câu hỏi lớn cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Hiện, Hà Nội đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn”, trong đó hạn chế xe máy là một giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, cũng như hàng chục năm trước, câu hỏi “cấm xe máy thì dân đi bằng gì” lại tiếp tục được đặt ra. Có ý kiến cho rằng, nếu thành phố xây dựng được lộ trình hạn chế xe cá nhân thì các đơn vị, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để phát triển vận tải hành khách công cộng… Tuy nhiên, người dân vẫn không ngừng lo lắng.

Sự lo lắng của người dân cũng là đương nhiên. Bởi chục năm trước đây, họ đã từng được hứa hẹn rằng, năm 2010, 2015, Hà Nội sẽ có tàu điện trên cao, có đường sắt đô thị… Nhưng không biết đến bao giờ điều đó mới thành hiện thực. Người dân cũng đã từng nghe lãnh đạo thành phố cam kết rằng, hạn chế xây nhà cao tầng, chung cư trong nội đô nhưng rồi điều đó cũng không được thực hiện nghiêm túc. Chung cư vẫn cứ mọc lên tràn lan trong nội đô. Người dân cũng từng được thông tin rằng, khi di dời nhà máy, xí nghiệp, trường học sẽ dành quỹ đất để cho giao thông, xây công viên, nhưng rồi tất cả điều đó cũng không thành hiện thực…

Tất cả những điều đó cho thấy rằng, muốn giải quyết được bài toán giao thông đô thị ở Hà Nội thì việc đầu tiên mà chính quyền Thủ đô cần làm là thực hiện nghiêm những điều mà pháp luật đã quy định như về quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng chung cư, xử phạt giao thông… Bởi nếu làm nghiêm thì chắc chắn sẽ không có việc chung cư thách thức quy hoạch mọc lên trong nội đô, không có  8B Lê Trực, không có những công trình làm mãi chưa xong, không có những chuyến xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây tai nạn…

MỚI - NÓNG