Tái cơ cấu “con người”

Tái cơ cấu “con người”
TP - Không chỉ là yêu cầu bắt buộc với từng bộ ngành, là nhiệm vụ cấp thiết của cả nền kinh tế, việc tái cơ cấu hoạt động của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty đang là trọng trách lớn đặt lên vai các tân bộ trưởng của chính phủ mới được Quốc hội tái phê chuẩn ngày 28/7.

Tại hội nghị sơ kết của ngành Công Thương diễn ra cách đây ít ngày, bên cạnh việc khen thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế, đích thân người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra nhiều “điểm nghẽn” cần tái cơ cấu tại chính siêu bộ đang quản lý tới 30 vụ, cục, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty với hàng vạn công nhân viên chức nhưng hoạt động kém hiệu quả này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh hiện nay thông qua giao việc cho các thứ trưởng của Bộ Công Thương phải tái cơ cấu ngay bộ phận mình phụ trách. “Bộ máy cồng kềnh đi vào đi ra nhiều quá không hiệu quả, phải tái cơ cấu lại” - Thủ tướng nói và bày tỏ mối lo về tình trạng “nói mãi không chịu làm” sẽ tiếp tục xảy ra.

Sự lo lắng của người đứng đầu Chính phủ không phải không có cơ sở khi nhìn vào những đầu mối mà Bộ Công Thương quản lý đang có nhiều lỗ hổng. Hệ thống thương vụ dù trải rộng ở nhiều nước nhưng đến nay vẫn bị đánh giá không thật sự là cầu nối cho hàng hóa trong nước vươn ra thế giới. 

Chính vì vậy mới có chuyện dưa hấu, vải thiều, thanh long, nhãn cùng nhiều loại nông sản của đất nước cứ được mùa là bị ép giá và đến đỉnh điểm phải cậy đến cán bộ ngành công thương đứng ra kêu gọi người dân mua “từ thiện” hỗ trợ nông dân. 

Trên mặt trận thị trường trong nước, sự xâm lấn của các hệ thống siêu thị, phân phối ngoại là mối lo lớn với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị thường phải viện tới việc kêu khó kiểm soát được nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng do…thiếu nhân sự. Bên cạnh thiếu nhân sự, còn thiếu công cụ cần thiết cho công việc hàng ngày đến mức cán bộ quản lý thị trường phải thử phân bón bằng…miệng.

Chuyện nhân sự tại Bộ Công Thương cũng là vấn đề đau đầu khi nhiều nhân sự đang hoặc từng giữ chức vụ lãnh đạo tại nhiều cục, vụ (Cục Điều tiết Điện lực, Vụ Công nghiệp nặng…) và tại cả các tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của bộ này (PVC, Sabeco, Habeco, Tập đoàn Hóa chất, tổng Cty Giấy, tổng Cty Thuốc lá Việt Nam) đang trong “tầm ngắm” của dư luận do có nhiều dấu hiệu nghi vấn  trong việc bổ nhiệm dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Bài học cơ bản ai cũng biết, doanh nghiệp chỉ có thể phát triển nếu nhân sự cấp cao được chọn đúng, trúng với đầy đủ thực tài. Còn không, tình cảnh sẽ rất khó lường. Không ít ý kiến cho rằng, chừng nào việc tái cơ cấu Bộ Công Thương, ngành “xương sống” của nền kinh tế, và các bộ ngành khác được thực hiện quyết liệt, chừng đó mới có thể kỳ vọng thúc đẩy, tạo sự chuyển dịch nền kinh tế và khi đó đất nước mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững.

MỚI - NÓNG