Tại nghèo?

Tại nghèo?
TP - Những câu chuyện bất cập quanh chuyện học hành thi cử của giáo dục nước nhà vốn không hiếm, nhất là vào dịp tuyển sinh đầu cấp hiện nay. Ngay từ khi bắt đầu cắp sách tới trường, ở các thành phố lớn nhiều bậc phụ huynh đã phải méo mặt lo “chạy” trường cho con vào lớp 1, thậm chí mẫu giáo.

> “Lọc” học sinh lớp 1 bằng… sổ đỏ?
> Dân chạy chỗ học cho con, doanh nghiệp chán việc xây trường

Những ngày này, chuyện “chạy” trường này một ngàn, trường kia hai ngàn (USD) lại râm ran khắp nơi. Cảnh trắng đêm xếp hàng cho con vào lớp 1, thậm chí đạp đổ cả cổng trường để chạy đua (theo đúng nghĩa đen) nộp hồ sơ xin học đã từng xảy ra tại Hà Nội.

Thời điểm này, số điện thoại cầm tay của nhiều vị hiệu trưởng các trường “hot” ở Hà Nội luôn ở trạng thái “ngoài vùng phủ sóng” hoặc không thưa máy để tránh áp lực, tránh những đề nghị khó trả lời. Khát vọng cháy bỏng bằng mọi giá cho con học trường được cho là tốt của các ông bố bà mẹ (thường là công lập) ngày càng đẩy “giá trái tuyến” mỗi năm một cao.

Ngoài chuyện thức trắng đêm hay sự cố “đạp đổ cổng trường” xảy ra ở Hà Nội, năm nay tại TP Vũng Tàu lại xuất hiện thêm “kỷ lục” mới : Muốn con vào lớp 1 phải có... sổ đỏ ! Chuyện xảy ra tại hai trường Tiểu học Trưng Vương và Quang Trung ở phường 9 TP Vũng Tàu.

Các phụ huynh tại phường này muốn cho con học 2 trường nói trên, ngoài đơn xin dự tuyển vào lớp 1, bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, tiêm chủng... phải có thêm sổ đỏ. Hàng loạt tình huống trớ trêu khiến phụ huynh méo mặt : Nhà thì sổ đỏ lại đứng tên anh trai, nhà thì sổ đỏ chính chủ nhưng lại đang thế chấp ở ngân hàng, nhà chưa kịp sang tên...

PV Tiền Phong hỏi ra thì được biết, “sáng kiến” này do Phòng Giáo dục TP Vũng Tàu “phát minh” nhằm “lọc” bớt các học sinh có hộ khẩu KT3, lọc bớt “việc chính quyền phường quản lý lỏng lẻo khiến số học sinh dự tuyển vào lớp 1 ở phường 9 quá lớn, đẩy khó khăn cho ngành giáo dục”.

Khỏi phải phân tích nhiều, quy định trên khó mà đúng luật. Không thể đem chuyện sở hữu sổ đỏ, sổ hồng để gắn với quyền được đi học (đúng tuyến) của học sinh. Chẳng lẽ, những học sinh có bố mẹ đang ở nhà thuê hoặc ở nhà không chính chủ lại bị tước đi quyền được học tập chính đáng?

Những người ra quy định tùy tiện này có biết, không ít quốc gia văn minh và phát triển trên thế giới có tới ngót nửa dân số đang ở nhà thuê? Đơn giản vì họ không có nhu cầu sở hữu một căn nhà, họ không có tiền hoặc muốn dành tiền đó vào việc khác hữu ích hơn, chẳng lẽ con cái họ cũng không được đi học?

Có sổ đỏ mới được đi học (đúng tuyến) vô hình trung đã phân biệt giàu nghèo với trẻ em ngay từ lớp 1. Bởi có chỗ ở hợp pháp hoàn toàn không đồng nghĩa với việc phải sở hữu ngôi nhà đó - một việc quá khó với những người nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG