Tài sản quan chức

TP - Nghi án quan chức thu nhập khủng, xây dinh thự khủng từ những nguồn tiền không minh bạch lại một lần nữa gây xôn xao dư luận trong suốt cả tuần qua sau khi ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái cho biết, để xây được “biệt phủ” và trang trại mà gia đình ông đang ở, ông đã phải vay bạn bè, ngân hàng tới 20 tỷ đồng.

Trong thương trường, việc vay tiền làm ăn, vay tiền đầu tư là chuyện thường ngày ở huyện. Việc doanh nghiệp hay quan chức vay tiền ngân hàng, vay tiền người thân để đầu tư cho các dự án phải nói rõ là chả có gì sai. Trả lời báo chí, ông Quý nói rằng, số tiền xây khu dinh thự cũng là kết quả của cả một quá trình ông lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề, từ buôn chổi đót, lá chít bán về Hà Nội, cũng như từ việc làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ.

Việc lãnh đạo một sở của tỉnh nghèo Yên Bái dám mạnh dạn vay tới 20 tỷ đồng để đầu tư trang trại và xây biệt phủ khiến nhiều người dân e ngại nếu chỉ nhìn vào mỗi khoản thu nhập từ tiền lương công chức của lãnh đạo Sở TN-MT. Về số tiền vay ngân hàng, nhiều chuyên gia cũng mổ xẻ sâu hơn và cho rằng chỉ có thể tạm yên tâm, nếu như ngân hàng làm đúng quy trình thẩm định cho vay, và lãnh đạo Sở TN-MT có thể kiếm được trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/tháng, số tiền cần tối thiểu để đảm bảo việc trả nợ. Cái sai duy nhất nếu có thể bị bới móc chính là việc có hay không ngân hàng vượt rào cho vay vượt mức tài sản cầm cố hoặc cho vay trái quy định ngành ngân hàng?

Trước ông Quý, hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, cũng bị dư luận đặt nghi vấn về việc xây biệt thự khủng sai phép trên đất nông nghiệp. Giải trình về số quá trình giúp ông xây được biệt thự, ông Kỷ nói rằng, ngôi nhà là tài sản cả đời tích góp của vợ chồng ông. Vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước thì lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp. Sự nỗ lực kiếm tiền một cách đường hoàng, minh bạch của ông Quý hay ông Kỷ, nếu đúng như vậy, thật đáng là tấm gương cho nhiều người trẻ học tập và phấn đấu.

Tại Hội nghị tổng kết đánh giá chung về bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 do Thanh tra Chính phủ phối hợp Cơ quan Chống tham nhũng và Bảo vệ quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) và UNDP  tổ chức hồi đầu năm 2017, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thực sự là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ở góc độ quản lý, chuyện quan chức sở hữu tài sản khủng về bản chất phải khẳng định không có gì là sai. Cũng cần nói rõ, đến nay không có bất cứ quy định nào buộc quan chức phải nghèo hoặc cấm quan chức làm giàu. Thực tế cho thấy, không ít lãnh đạo vốn là người có tài, có năng lực kinh doanh và đã sở hữu những khoản tài sản lớn tại doanh nghiệp trước khi chuyển sang làm lãnh đạo các đơn vị hành chính sự nghiệp, hay lãnh đạo các cơ quan nhà nước.

Nhiều người nói vui rằng, chừng nào tài sản khủng của quan chức được minh bạch thông tin, quan chức chứng minh được nguồn gốc tài sản rõ ràng chừng đó mới hết chuyện lùm xùm từ việc quan chức bị phóng viên “đếm nhà”, “đếm biệt phủ”.

MỚI - NÓNG