Tầm quản lý

Tầm quản lý
TP - Xã hội đang xôn xao với việc quản lý game online. Thành phố xôn xao hơn thôn quê và thành phố càng lớn càng xôn xao.

>> Bạo lực học đường xuất phát từ game online?

Ở Hà Nội, nhiều quan chức khẳng định, đến ngày 30 - 8, các đại lý internet cách trường học dưới 200m phải ngừng hoạt động, những đại lý internet còn lại chỉ được phép hoạt động trước 23 giờ.

Lời khẳng định có vẻ muốn nhen nhóm hy vọng cho những người đang rất bức xúc trước tình trạng game online "đen" tràn lan mà theo họ là nguyên nhân dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, với những người có trí nhớ tốt thì chưa quên Nghị định số 11/2006-NĐ-CP ngày 18-1-2006 của Chính phủ. Trong đó, Điều 43 đã quy định: "a. Cửa hàng trò chơi điện tử phải cách các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200m trở lên; b. Không được hoạt động quá 11 giờ đêm".

Thế ra những lời khẳng định mạnh mẽ hiện nay chỉ là nhắc lại một quy định do Chính phủ ban hành hơn bốn năm trước mà chưa được thực thi. Một quy định suốt nhiều năm bị lãng quên, nay khẳng định mạnh mẽ thì sẽ được thực thi nghiêm minh? Chưa có cơ sở cho một niềm tin như thế.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, ông Phạm Quốc Bản cho biết trong một cuộc họp, việc quản lý game online ở Mỹ, Nhật, Đức và Trung Quốc rất khác với Việt Nam. Từ sự khác ấy, có thể rút được điều gì bổ ích cho công tác quản lý ở nước ta thì ông Bản không nói, do ông chưa nghĩ tới hoặc chưa muốn nói ra, nhưng qua đó ông lại cho dư luận biết một sự thật: game online đã bao phủ toàn cầu nhưng ở nước ta gây nhiều tác hại hơn ở các nước giàu.

Hậu quả này do quản lý kém hay khả năng đề kháng của xã hội kém? Dù lý do gì thì vẫn rõ ràng, game online là một sản phẩm của trí tuệ con người và không phải ở đâu cũng chỉ gây hậu quả xấu, ít nhất cho đến thời điểm này.

Nói chuyện quản lý hẳn nhiều người chưa quên việc quản lý video hơn hai chục năm trước, thời điểm video tràn vào nước ta gieo bao nỗi bức xúc video "đen". Đó là loại băng video chứa những nội dung được đánh giá là trái với thuần phong mĩ tục, nên các cơ quan nhà nước đã áp dụng các biện pháp cấm đoán ngặt nghèo: Chỉ cấp phép hạn chế số cơ sở được chiếu video và tịch thu ngay những đầu video không có giấy phép, dù đang mang đi trên đường. Nhiều người đã phải vào tù hoặc tán gia bại sản vì video "đen".

Thế rồi cái quy định ngặt nghèo ấy đột nhiên biến mất khỏi đời sống xã hội, đột ngột như khi ra đời, không tuyên bố và bây giờ những ai nhớ lại không khỏi ngỡ ngàng là nước ta từng có quy định như thế!

Các nhà quản lý hiện nay đang sốt ruột đưa ra một số phương thức mạnh mẽ và thô sơ để quản lý game online, đã dự đoán được tương lai gần của game online sẽ như thế nào chưa? Chẳng hạn, máy tính xách tay trở thành phổ biến, các điểm internet công cộng biến mất. Quản lý nhà nước dự đoán được chiều hướng phát triển của đối tượng bị quản lý thì mới đỡ lúng túng chạy theo hiện tượng nhất thời, điều chỉnh được hành vi xã hội một cách căn cơ, đúng quy luật và đem lại hiệu quả.

Games online là một loại trò chơi, có thể như mọi loại trò chơi trên đời, sinh ra làm xôn xao cuộc sống nhưng tồn tại không lâu dài, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mau lẹ. Một nhà quản lý có kinh nghiệm từng nói: "Muốn biết được điều gì sẽ xảy ra trong mười năm tới thì phải nhìn lại những gì đã xảy ra trong mười năm qua".

MỚI - NÓNG