Tâm thế Đông du

Tâm thế Đông du
TP - Đêm qua (24/3), trong cơn khát thông tin cộng với nhiều đồn đoán về vụ “ăn” hối lộ 16 tỷ đồng (từ những dự án ngành đường sắt), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết định cử cán bộ sang Nhật Bản làm rõ vụ việc.

Có lẽ rút kinh nghiệm từ vụ án tương tự trước đó (Huỳnh Ngọc Sỹ), ông Thăng cho người sang tận cơ quan Thuế Nhật Bản để nhận mặt kẻ nhận hối lộ nhằm “đỡ mất thời gian cơ quan chức năng trong nước điều tra”. Có lẽ “nhân vật A hay B” nào đó đang run khi nghe thông tin này.

Ngành đường sắt Việt Nam lâu này vốn đã trì trệ, nay dính thêm “đòn” nghi án hối lộ cũng chỉ thêm một vết đen nhỏ mà thôi. Còn nhớ, cách đây không lâu, lãnh đạo ngành này có sáng kiến chống cán bộ chạy tàu “bao khách” bằng cách: Cho tháo giường, tháo cửa buồng nhân viên (để không cho khách trốn vé nằm chui). 

Trên nhiều chuyến tàu vốn đã nhếch nhác, người ta lại thấy cảnh buồng nhân viên chạy tàu che tấm ri-đô phất phơ trống hoác. Dọc đất nước này, mỗi khi đi tàu hỏa, cảnh tượng những nhân viên chạy tàu mặt buồn tiu nghỉu lúc lắc theo nhịp tàu chạy hay những chị gác chắn trực tàu bơ phờ giữa đêm mưa lạnh tại ga xép nhỏ không phải là hiếm.

Ngành đường sắt từng oai phong với những chiếc đầu máy xe lửa có tên gọi “Đổi Mới” như một thông điệp thúc đẩy. Tuy nhiên, người ta vẫn nói: Đổi mãi mà chưa mới, bởi vì cứ vướng mấy từ viết tắt “ĐSVN”, được dịch: Đừng-Sờ-Vào-Nó; nếu có “sờ” thì bị “Nó-Vật-Sát-Đất” (đọc ngược). Mà nó vật thật khi hàng chục vụ tai nạn giữa đường sắt và đường dân sinh diễn ra thường niên. Giờ thì Bộ GTVT biết rõ: Khó trông chờ vào sự cải cách thông qua việc dẹp buồng ngủ nhân viên chạy tàu-một cách giải quyết từ “ngọn”, ấu trĩ. Còn chiếc đầu máy “Đổi Mới” ì ạch vẫn chỉ là biểu hiện của căn bệnh hình thức.

Không hô hào như trước đây, bộ chủ quản có thông điệp rất rõ: Không làm được thì nghỉ, vé đường sắt đã đắt hơn cả giá vé hàng không rồi. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Đường sắt Trần Ngọc Thành (mới về nhậm chức không lâu), cũng đã tuyên bố: Không đổi mới được sẽ từ chức. 

Ông Thành tuyên bố như vậy là rất quyết liệt, nhưng bản thân ông không phải là siêu nhân để có thể giải cứu cả “bộ” đường sắt trì trệ (với nguồn lực 4 vạn lao động). Liệu “cú hích” nghi án hối lộ 16 tỷ đồng sẽ “ép” ông Thành có thêm động lực cải tổ ngành này (như cách nói của một chuyên gia kinh tế).

Trước đây, ngành đường sắt đi Nhật Bản tìm hiểu công nghệ đường sắt cao tốc, có nhiều hoan hỷ. Hôm nay (25/3), Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông “Đông du” để nhận mặt kẻ tham nhũng, lắm người sợ run.

MỚI - NÓNG