Tâm trạng cuối năm

Tâm trạng cuối năm
TP - Tết này có về quê?

-Chưa biết, để xem lương thưởng sao đã.

-Ráng về, ở lại buồn thê thảm!

-Ừm, mẹ tao cũng giục về…

Người viết bài này vô tình nghe được đoạn đối thoại của hai nữ công nhân trẻ vào chiều Chủ nhật, ngày 28-11. Cả hai quê ngoài Bắc, cùng làm cho các nhà máy trong khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) và cùng ở trọ trong căn phòng nhỏ gần nơi làm việc.

Mẩu đối thoại ngắn, không đầu đuôi và tưởng chừng vu vơ, đứt quãng kể trên lại chứa đựng khá nhiều thông tin, thông điệp về đời sống, tâm trạng của những người lao động nghèo nơi đô thị. Và, câu chuyện nhỏ cũng khơi gợi nhiều vấn đề không nhỏ, đáng lưu tâm.

Đáng lưu tâm nhất là mặt bằng thu nhập của phần lớn người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp hiện nay khá thấp, và phổ biến ở mức 3 triệu đồng/ người/tháng. Với mức ấy, người lao động chỉ đủ duy trì cuộc sống tối thiểu, nhất là khi có người ăn theo.

Ngay cả mức tối thiểu cũng đang có nguy cơ bị lung lay, phá vỡ bởi những cơn bão giá. Thế nên, trong những người lao động nghèo nảy sinh một nỗi sợ vô hình: Nỗi sợ cuối năm.

Điều trông đợi lớn nhất của người lao động vào dịp cuối năm là ở khoản lương thưởng. Đây là khoản tiền mà họ đương nhiên được thụ hưởng cả ở khía cạnh pháp lý lẫn ý nghĩa là thành quả lao động cả năm.

Nhưng, không ít chủ doanh nghiệp lại cho mình cái quyền được cầm giữ, ban phát cho nên đợi đến ngày cuối cùng mới phát thưởng, thậm chí nợ qua Tết như một biện pháp giữ chân người lao động. Khi nhận được tiền thưởng thì giá cả những ngày cận Tết đã cao chót vót, đẩy người lao động vào tình cảnh khó khăn. Đồng lương, thưởng vốn đã ít ỏi lại trở nên teo tóp, và đó là nỗi ám ảnh.

Khoản tiền tích lũy suốt cả năm lao động cực nhọc không đáng là bao, vì vậy hành trang về sum họp gia đình ngày Tết của những người đi làm ăn xa cũng nhẹ tênh, thậm chí đến một món quà nhỏ cho người thân cũng khó. Thậm chí, ước mơ sum họp với người thân ngày Tết của nhiều công nhân xa quê cũng không thành hiện thực vì lẽ không đủ tiền.

Trong khi doanh số, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không ngừng tăng thì thu nhập của người lao động vẫn giậm chân tại chỗ và đuối sức so với thời giá. Nghịch lý này tồn tại từ nhiều năm qua. Tâm trạng âu lo cũng như thực tế bấp bênh càng rõ nét hơn trong dịp cuối năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).