Tăng giá & cạnh tranh

Tăng giá & cạnh tranh
TP - Có một “điệp khúc”, giống như bao “điệp khúc” khác đang diễn ra ở nước ta: cứ đến tháng 7, tháng 8, trước thời điểm tựu trường, giá các mặt hàng đồ dùng học tập lại nhảy múa.

> Vở lên giá do giá giấy nguyên liệu tăng

Năm nay cũng không ngoại lệ: một số mặt hàng phục vụ học tập lại tăng giá từ 15%-30%. Trong lúc mọi thứ đều tăng giá, việc các mặt hàng bút, sách, giấy mực cũng “hòa thanh” theo lại khiến đôi vai của các bậc cha mẹ thêm trĩu nặng. Nhưng không giống một số nhu cầu, có thể tạm thời dẹp bỏ khi giá cả tăng đồng loạt, đối với đa số phụ huynh, đồ dùng học tập cho con cái là thứ không thể tiết giảm.

Và cũng như mọi năm, nhằm tạo điều kiện tốt cho sự học của các em, chính quyền các địa phương tiếp tục phải trích ngân sách nhằm bình ổn thị trường dụng cụ học tập, bên cạnh các chương trình bình ổn khác. Theo dự tính, số lượng các mặt hàng tham gia bình ổn chiếm khoảng 30% - 40% so với nhu cầu thực tế.

Trở lại nguyên nhân tăng giá các mặt hàng đồ dùng học tập. Năm nay được nói cũng… giống như mọi năm, là nguyên liệu đầu vào tăng. Giá sách giáo khoa (gồm các loại sách cơ bản và nâng cao) tăng 16,9% so với cùng thời điểm năm 2010.

Các nhà sách giải thích, theo chủ trương của Nhà Xuất bản Giáo dục, do giá các nguyên liệu đều tăng, giá giấy tăng 30%, giá vận chuyển tăng gấp đôi, các nhà in cũng đồng loạt tăng giá... Nói như vậy thì chịu rồi!

Nhưng điều đáng bàn là trong lúc ấy, vẫn có nhiều nhà sách , siêu thị, nhà phân phối đồng loạt thực hiện các chương trình khuyến mãi như phát phiếu ưu đãi, giảm giá theo bìa đối với sách tham khảo, dù không phải đơn vị nào cũng tham gia chương trình bình ổn, hoặc tất cả các mặt hàng họ bán đều nằm trong danh sách hàng bình ổn.

Có siêu thị giảm giá 5% - 40% cho gần 1.000 sản phẩm như quần áo, giày dép, cặp sách, bàn ghế, bút, vở… Một điểm tích cực nữa là khi siêu thị, nhà sách, nhà phân phối hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất trong nước, giá thành không những hạ mà lượng hàng đồ dùng học tập nhập khẩu cũng giảm đi rõ rệt. Điều này cho thấy nguyên lý muôn thủơ của thương trường: ở đâu có cạnh tranh, ở đó có sản phẩm tốt, giá cả hợp lý.

Tất nhiên, để phụ huynh học sinh dễ thở hơn khi nuôi con ăn học, giới chức sẽ còn phải nỗ lực để tạo thêm những môi trường cạnh tranh khác nữa (thị trường biên soạn và phát hành sách giáo khoa chẳng hạn). Và điều không kém quan trọng là nâng cao sự ổn định (tương đối) của hệ thống giáo trình, sách giáo khoa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG