Tăng giá = Thiếu điện !

Tăng giá = Thiếu điện !
TP - Mới cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước vừa khốn khổ hứng chịu cảnh cúp điện luân phiên chưa từng có do 4 nhà máy điện lớn đồng loạt ngưng hoạt động để bảo dưỡng và khắc phục sự cố.

Qua báo chí, ông TGĐ Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã phải nói lời xin lỗi người dân vì để xảy ra tình trạng này.

Nay EVN lại tiếp tục tuyên bố, sẽ thiếu điện gay gắt tới 1.000 MW trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 9 cũng vẫn lý do tương tự: Nhà máy điện Phú Mỹ (chiếm 35% công suất điện cả nước) phải ngừng để bảo dưỡng, một loạt các nhà máy nhiệt điện khác phải sửa chữa...

Với tình hình này, một kịch bản “cắt điện luân phiên” nữa hẳn sẽ khó tránh khỏi ?

Có một điều lạ lùng và hết sức phi lý với người tiêu dùng cả nước là, từ nhiều năm nay, EVN đã và đang cho vận hành song song hai “kịch bản” trái ngược, đó là “Tăng giá” và “Cắt điện luân phiên”.

Rõ ràng trong nền kinh tế thị trường hội nhập WTO này, điệp khúc “Tăng giá – Cắt điện luân phiên” (Tất nhiên là không đền bù cho khách hàng) đang gây bất bình cho người tiêu dùng và thực sự khó hiểu đối với các chuyên gia kinh tế.

Khỏi phải nói về nỗi khổ khi cúp điện giữa mùa nóng của người dân. Còn ở tầm vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 10/4 vừa qua đã thừa nhận: “Điện là yếu tố quan trọng của sự phát triển. Tôi đang lo vì hiện nay đang có dòng vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam nhưng nếu thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu hút FDI”.

Điều này cũng trùng với sự lo ngại của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tại Diễn đàn Đầu tư APEC 2006, ông R. David Knapp - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - cũng đã chính thức đề cập tới vấn đề này.

Vậy bao giờ hết cảnh cúp điện, thiếu điện trong khi giá điện cứ đến hẹn lại lên tăng đều tăm tắp?

Không lẽ, nhà máy điện của các nước khác không phải bảo dưỡng? Chỉ biết cúp điện là một điều vô cùng hãn hữu tại nước họ. Người tiêu dùng cần một sự trả lời sòng phẳng từ Tập đoàn Điện lực EVN, đơn vị đang được hưởng một đặc quyền chỉ có trong mơ với các doanh nghiệp khác: Độc quyền bán điện cho dân.

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, hiện ngành điện cần tới 4 tỷ USD/năm để phát triển các nhà máy điện mới nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% mỗi năm của đất nước.

Trong khi đó, dư luận lại đang hết sức lo ngại về kế hoạch thành lập Cty cổ phần mua bán điện hoạt động vì mục đích lợi nhuận của EVN. Quyền GĐ quốc gia World Bank tại VN, ông Martin Rama cảnh báo: “Chúng tôi tin rằng hậu quả của việc xung đột về quyền lợi sẽ dẫn đến giá điện cho người tiêu dùng cao hơn, và làm thất bại công cuộc huy động nguồn vốn rất cần thiết cho ngành điện”.

Nếu cảnh báo trên là có cơ sở thì thử hỏi kịch bản “Tăng giá - Cắt điện luân phiên” của EVN sẽ còn “diễn” đến bao giờ?

MỚI - NÓNG