Tết và hệ lụy

Tết và hệ lụy
TP - Đã trở thành truyền thống, Tết là dịp để mọi người trở về quần tụ bên gia đình, người thân. Song bên cạnh ý nghĩa thiêng liêng ấy cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Một con số cụ thể khiến ai ai cũng phải giật mình khi có tới hơn 5 nghìn ca nhập viện vì đánh nhau trong thời gian nghỉ Tết vừa qua.

Vì hiếu thắng, vì sẵn men rượu trong người mà người ta sẵn sàng lao vào ẩu đả, đánh lộn bất chấp hậu quả để rồi đưa nhau vào bệnh viện. Thậm chí, chỉ với những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể gây cãi vã, đánh lộn giữa các thế hệ trong một gia đình.

Chữ “nhẫn” thường ngày nhường chỗ cho sự hiếu thắng, có thể làm cho người ta trở nên mất nhân tính. Cái Tết bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người, nhiều gia đình.

Sau hàng chục ngày nghỉ Tết triền miên, khi quay trở lại làm việc lại sinh ra tâm lý chây ì, uể oải. Dù đến cơ quan đầy đủ, nhưng có khi cũng chỉ để đối phó, rồi tìm cách đi “gặp mặt”, thăm hỏi, hay rủ nhau đi chùa chiền lễ hội đầu năm. Có những cơ quan công sở vắng teo, ngược lại ở những nơi tổ chức lễ hội lại diễn ra cảnh người người chen chúc, đông nghịt. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân mà tác động không hề nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau mỗi dịp nghỉ Tết, không ít doanh nghiệp đã phải phen khốn khổ vì người lao động không quay trở lại làm việc. Không chỉ trong gần chục ngày nghỉ Tết mà người lao động cũng phát sinh tâm lý vui chơi, lười làm việc trong nhiều ngày trước và sau Tết. Nghỉ Tết kéo dài có thể làm kích cầu tiêu dùng, nhưng cũng khó có thể bù đắp được khi sản xuất kinh doanh ngừng trệ. Hệ lụy lớn nhất có lẽ là gây kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn bị kéo tụt vì nghỉ Tết quá dài...

Có những ý kiến cho rằng, khi đã hội nhập sân chơi chung của thế giới thì cũng nên “ăn Tết” cùng thế giới trên cơ sở gộp hai Tết Dương lịch và cổ truyền làm một. Nhưng trên thực tế, cái Tết cổ truyền đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người, trở thành một truyền thống thiêng liêng của người Việt. Tết cổ truyền không thể bỏ, nhưng điều cần thiết và nên làm hiện nay là phải điều chỉnh thời gian nghỉ Tết cho phù hợp, đảm bảo hài hoà giữa ý nghĩa truyền thống và sự phát triển, hội nhập. 

Trước đây, Tết cổ truyền chỉ gói gọn trong ba ngày, một ngày cuối năm và hai ngày đầu năm, đến ngày mùng ba quay trở lại làm việc bình thường. Nhưng nhiều năm trở lại đây, mỗi kỳ nghỉ Tết thường kéo dài gấp ba lần như vậy. 

Để tạo ra sự hài hòa, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ Tết nên rút ngắn xuống chỉ còn năm ngày, thay vì chín mười ngày hiện nay.

MỚI - NÓNG