“Thả gà ra đuổi”?

“Thả gà ra đuổi”?
TP - Thật trớ trêu, vào những ngày cuối năm của “Năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản 2015”, hàng loạt vụ buôn bán và sử dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi lại được đồng loạt phát hiện từ Bắc chí Nam, ở cả hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM.

Đây là loại chất độc bảng B, bị tổ chức WHO và FAO cấm sử dụng từ lâu. Cùng thời điểm này, một hội thảo của ngành Y cảnh báo tình trạng ung thư tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Đáng lưu ý, theo các chuyên gia có tới 80% nguyên nhân ung thư đến từ yếu tố môi trường, trong đó ăn uống thực phẩm độc hại là yếu tố hàng đầu.

Thực ra, vấn nạn dùng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi lợn đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, song chủ yếu ở một số tỉnh phía Nam. Nào ngờ, nay các cơ quan chức năng còn phát hiện chất độc chết người này ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. Trong 3,5 tấn Salbutamol mà Bộ Y tế chính thức cho phép các công ty Dược nhập về để bào chế thuốc tân dược chữa bệnh cho người năm 2015 (theo trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước Quốc hội ngày 3/11/2015), có bao nhiêu tấn Salbutamol thực dùng để bào chế dược phẩm ? bao nhiêu tấn trá hình nhập nhằng nhập quá số lượng cho phép để tuồn ra các máng ăn cho lợn ? Chỉ biết mới đây, một công ty dược đã bị phát hiện nhập quá số lượng salbutamol trong giấy phép tới 2 tạ. Trước đó, một con số từ Bộ NN&PTNT lại cho rằng, có tới 68 tấn chất cấm trong chăn nuôi (Salbutamol, Clenbuterol) đã được nhập về Việt Nam.

Trước thực trạng “thả gà ra đuổi”, một bên cho nhập Salbutamol để làm thuốc trị bệnh cứu người, một bên vất vả truy lùng ở…các trang trại lợn, vị trưởng phòng thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNN) Phạm Tiến Dũng phải thốt lên: “Cái này phải làm cho rõ ra, chứ quản lý kiểu này dân sẽ bị đầu độc và thiệt hại. Như ma trận thế này thì chết!”.

Chưa biết tới đây, loại chất độc bảng B đang rất được các thương lái ưa chuộng này sẽ được hai bộ phối hợp quản lý ra sao? Nhưng hậu họa thì đã nhãn tiền - 16% mẫu thịt có chất tạo nạc sabultamol độc hại ! (Kết quả kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng đầu năm).

Xin nhắc lại, căn bệnh ung thư đang gia tăng mạnh mẽ ở Việt Nam có nguyên nhân hàng đầu từ ăn uống các thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, trong đó thịt lợn chỉ là một ví dụ. Đồ ăn thức uống, bữa cơm gia đình đang bị đe dọa từ những kẻ hám lợi, sẵn sàng đầu độc hàng loạt người tiêu dùng, hủy hoại giống nòi. Dư luận đòi hỏi pháp luật cần nghiêm trị những kẻ mất nhân tính này, từ người buôn bán tới người chăn nuôi dùng chất cấm.

Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng nhức nhối này, cần phải xem lại vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSTP.

MỚI - NÓNG