Thách thức chưa từng có

Thách thức chưa từng có
TP - Mark Zuckerberg, ông chủ trang mạng xã hội đình đám nhất thế giới, người coi kết nối internet là quyền con người, mới đây tuyên bố dự định trong năm 2017 là gặp và trò chuyện trực tiếp với nhiều người, tại tất cả các tiểu bang của nước Mỹ.

Một ông chủ thế giới ảo vì sao lại muốn gặp trực tiếp nhiều người như vậy?Là bởi vì, ông ta hiểu rằng, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ với bệ đỡ là sự toàn cầu hóa, loài người có thêm nhiều tiện ích, thậm chí là những tiện ích mà khoảng một hai thập niên trước, có nằm mơ chẳng ai dám nghĩ đến. Nhưng những tiện ích đó cũng đã và đang tạo ra những thách thức chưa từng có với đời sống, với mỗi cá nhân.

Lệ thuộc vào công nghệ, người ta ngày càng thích sống ảo hơn, kết nối nhiều hơn nhưng thực chất là cô đơn nhiều hơn. Công nghệ và thế giới mạng cũng đang tạo ra những thách thức chưa từng có về an ninh, an toàn đối với loài người.

Hàn Quốc là một đất nước giàu có, phất lên nhờ năng lực công nghệ và kỹ thuật. Tại đây, người ta đang cho xây dựng những thành phố thông minh, công nghệ hóa, tự động hóa được trang bị đến từng căn hộ. Thành phố thông minh xứ Hàn không có người quét rác, vì rác được xử lý từ đầu nguồn, trong mỗi căn hộ và được máy móc chuyển đến nơi cần đến. Mọi thứ, từ thức ăn đồ uống, chăm sóc sức khỏe, đến các nhu cầu khác của con người đều được hệ thống máy móc phục vụ tận răng. Có thể nói người ta không có lý do gì để bước ra đường, không lo tắc đường, không lo khói bụi, ô nhiễm…

Nhưng cũng tại Hàn Quốc, có những bà nội trợ cô đơn, những cô gái mỗi ngày phải làm việc mười mấy tiếng, không còn biết yêu đương hẹn hò là gì. Để có chút hơi đàn ông, để được có người lắng nghe mình nói mà không ngắt lời hay bỏ đi, họ phải bỏ 400-600 USD cho một buổi đến các câu lạc bộ “ộp-pa”, nơi có những cậu trai xinh xắn, tuổi chỉ ngoài 20 sẵn sàng làm “người yêu”, làm “chồng” trong vài giờ, để có người tâm sự, có người chịu nghe họ nói, thậm chí là có người thỏa mãn nhu cầu xác thịt. Các chuyên gia nói đây là sản phẩm của một xã hội phát triển lệch lạc. Xã hội đó nhiều tiền bạc nhưng mối quan hệ giữa người với người đang bị xếp vào thứ yếu.

Xã hội Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa, dường như cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Chúng ta đã và đang khá giả dần lên, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện. Nhưng có vẻ nhiều thứ tốt đẹp từng tồn tại, nay đang biến mất dần, thay vào đó là những thứ phù phiếm hơn, “ảo”hơn. 

Chúng ta rồi sẽ ra sao, con cháu chúng ta sẽ sống thế nào? Câu hỏi này không dễ trả lời nhưng rất đáng để mỗi người suy ngẫm.

MỚI - NÓNG