Thách thức & hy vọng

Thách thức & hy vọng
TP - Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa mới nhậm chức được ít ngày thì đã có ngay thử thách, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để bà chứng tỏ cho bàn dân thiên hạ thấy mình ngồi vào ghế bộ trưởng là đúng vai.

> Bộ trưởng Y tế kiểm tra tình hình dịch tay chân miệng ở Đồng Nai
> Dịch chồng dịch 

Thử thách ấy chính là đợt bùng phát dữ dội của dịch tay-chân-miệng ở trẻ em. Nguy cấp hơn, đang có nguy cơ “dịch chồng dịch” khi dịch tay-chân-miệng vẫn hoành hành tại nhiều tỉnh, đặc biệt là TPHCM, Đồng Nai, thì số ca mắc sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội ở phía Nam, dịch bệnh than ở phía Bắc.

Có thể dẫn ra đây vài con số để thấy rằng nhiệm vụ của vị tân Bộ trưởng không hề đơn giản: Cục Y tế Dự phòng hôm qua cho hay, tính từ đầu năm đến tháng 8-2011 cả nước đã có 32.500 ca mắc tay-chân-miệng làm 81 trẻ tử vong. Việt Nam là nước có số bệnh nhân tử vong vì tay-chân-miệng đứng thứ 2 thế giới.

Từ năm 2007 đến 2010, trung bình mỗi năm TPHCM có khoảng 3.500 ca mắc tay-chân-miệng với khoảng trên dưới 10 ca tử vong thì chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có hơn 7.300 ca mắc bệnh, số người tử vong lên con số 22.

Trước tình hình như vậy, công chúng đang trông đợi những biện pháp ứng phó từ Bộ Y tế mà cụ thể là từ tân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Nhưng điều người dân thực sự cần là những biện pháp mới chứ không phải là một gương mặt mới.

Nói người dân trông đợi những biện pháp mới, cách làm mới vì như nhiều chuyên gia đã phân tích, vẫn tồn tại những vấn đề trong công tác chống dịch và dập dịch của Bộ Y tế. Đó cũng có thể là nguyên nhân chính khiến các đợt dịch bệnh cứ xuất hiện dai dẳng, lặp đi lặp lại theo chu kỳ.

Và trong hội nghị phòng chống dịch hôm qua tại TPHCM, ít nhất cũng đã có dấu hiệu cho thấy vị tân Bộ trưởng đã có suy nghĩ về những biện pháp thực hiện mới, dù nội dung công việc không mới.

Cái mới ở đây, chính là việc bà Bộ trưởng “gọi đúng tên” cung cách phòng chống dịch của Việt Nam bằng ba chữ “làm cho có”. Và theo bà, đây chính là lý do chúng ta không thể dập được dịch. Khâu quan trọng nhất của việc phòng dịch là truyền thông, theo bà Bộ trưởng, đã bị coi nhẹ, hoặc làm không tới nơi tới chốn.

Chỉ ra nguyên nhân phòng chống dịch kém hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhanh chóng đưa ra giải pháp mà bà cho là có thể nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới:

“Bộ Y tế sẽ có dự thảo về công tác phòng chống dịch tay-chân- miệng trình Chính phủ để Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành vào cuộc một cách mạnh mẽ, đồng thời chúng tôi sẽ có chỉ thị gửi các sở y tế tỉnh thành về phòng chống dịch bệnh này”. Tức là không chỉ chỉ đạo ngành dọc, vị tân Bộ trưởng đòi hỏi chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch với sự giám sát chặt chẽ của Trung ương.

Tất nhiên, kết quả phòng chống dịch bệnh của Việt Nam có khả quan hơn không, chỉ thời gian mới trả lời được. Nhưng ít nhất người dân cũng có ít nhiều cơ sở để mà hy vọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.