Tham nhũng môi trường

Tham nhũng môi trường
TP - Câu chuyện hệ lụy từ khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (DN) không mới nhưng vì sao vẫn mãi tiếp diễn? Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính do tình trạng tham nhũng môi trường đã và đang diễn ra.

Tết Đinh Dậu vừa qua, hàng nghìn người dân xã Ngọc Phái (Chợ Đồn, Bắc Kạn) sống trong cảnh “ngủ dậy mới biết còn sống” vì các hố tử thần đua nhau xuất hiện do việc khai thác mỏ chì kẽm Nà Tùm. Ai cũng biết, khai thác khoáng sản phải chặt rừng, đào bới đất đai. Khi tuyển quặng, DN lại tiếp tục sử dụng hóa chất rồi xả thải ra môi trường nước. Khai thác gây bụi làm nhiễm bẩn không khí. Nhiều nơi, môi trường nước ô nhiễm nặng thậm chí không thể tiếp tục sử dụng cho canh tác nông nghiệp. Khai thác khoáng sản là thứ huỷ diệt môi trường mạnh nhất trong tất cả hoạt động phi nông nghiệp.

Để xảy ra tình trạng trên phải kể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Họ không làm tốt việc bắt DN phải chi trả đủ kinh phí để bảo vệ môi trường (đất, rừng, nước và không khí) như một báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chân chính phải chỉ ra. Nói như vậy có nghĩa là khá nhiều báo cáo ĐTM không chân chính, nhiều khi báo cáo ĐTM cũng nghiêm túc nhưng DN lại không thực hiện nghiêm túc. Sau khai thác, DN thường trốn tránh trách nhiệm phục hồi môi trường đất, làm được chừng nào hay chừng ấy bằng việc kêu khó khăn, đóng cửa mỏ, rồi  âm thầm rút lui. Chi phí bảo vệ môi trường rơi vào túi DN như lợi nhuận, trong khi người dân địa phương phải gánh chịu mọi hệ lụy.

Nhìn rộng ra, các nước trên thế giới cũng khai thác khoáng sản nhưng họ làm tốt việc bảo vệ môi trường chỉ bằng bí quyết đơn giản là “không có lợi ích nhóm”.  Trong kinh tế học, người ta có khái niệm phân tích chi phí - lợi ích. Tức là để cấp phép cho việc khai thác khoáng sản thì uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ TNMT phải tính cụ thể chi phí nhà nước phải bỏ ra (phục hồi đường sá, cầu cống bị xuống cấp do vận tải quặng, tác động xấu tới môi trường, làm đảo lộn đời sống xã hội địa phương…) và lợi ích nhà nước thu về (bằng các loại thuế, phí). Nếu lợi ích lớn hơn chi phí với điều kiện ô nhiễm môi trường trong giới hạn được phép thì mới cấp phép cho DN. Ngược lại sẽ không được cấp phép.

Nhưng ở nước ta, nhiều khi việc cấp phép lại căn cứ vào mối quan hệ thân hữu của DN với UBND tỉnh, bộ, ngành. Cứ trình lên là được cấp mà không cần biết việc cấp làm cho Nhà nước phải bỏ ra chi phí bao nhiêu và người dân địa phương phải gánh chịu những hệ lụy gì về cả kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Lâu nay, đó đã là lời cảnh báo nhưng nhiều tỉnh vẫn tiếp tục cấp phép theo kiểu DN thân quen, theo nhóm lợi ích giữa cơ quan quản lý với DN và đó là nguyên nhân gây ra tình trạng tham nhũng môi trường.

MỚI - NÓNG