Thất thoát niềm tin

Thất thoát niềm tin
TP - Vào năm 2010, công trình hệ thống cấp nước sạch sông Đà về Hà Nội do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư đã vinh dự được nhận giải thưởng “Cúp Vàng chất lượng xây dựng Việt Nam”.

Nhưng bốn năm sau khi đi vào vận hành, hệ thống đường ống này đã vỡ tới 7 lần. Câu chuyện khiến nhiều người liên tưởng đến giải thưởng vì môi trường mà Công ty Vedan từng nhận được, chỉ một thời gian ngắn sau khi công ty này bị phát hiện xả trộm nước thải, bức tử sông Đồng Nai trong nhiều năm liền.

Đọc cái thông báo khắc phục sự cố của đơn vị vận hành hệ thống đường ống mà cảm thấy buồn. Rất nhiều mỹ từ đã được đưa vào thông báo, rằng ngay sau khi phát hiện sự cố, đã “nhanh chóng thực hiện các công việc như tạm dừng cấp nước; thông báo cho khách hàng; khảo sát, triển khai các biện pháp xử lý kỹ thuật; tiến hành tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, tránh ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trong suốt quá trình xử lý...”. 

Những công việc này, được mô tả là đã được tiến hành “với sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo xử lý nhanh thuộc Tổng công ty..., sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên..., sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất, và với một điệp khúc khá “ngoại giao”: “mong khách hàng chia sẻ...”

Đối với hàng vạn khách hàng đang mua và sử dụng nước sông Đà thì không cần những mỹ từ như vậy. Họ cần được cung cấp nước sạch một cách ổn định để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, thay vì thắc thỏm mỗi ngày để rồi đón nhận những thông báo về các sự cố vỡ đường ống liên tiếp xảy ra.

Điều đáng nói hơn, đã có nhiều tuyên bố từ các cơ quan chức năng cũng như từ Vinaconex, nhưng rồi ống vẫn tiếp tục vỡ như minh chứng cho một cách làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Một hệ thống văn bản pháp quy đồ sộ về kiểm soát chất lượng xây dựng đã được ban hành và một đội ngũ đông đảo các cơ quan chuyên trách của Bộ Xây dựng và Hà Nội đã được thành lập và đang hoạt động. 

Để làm gì khi mà câu chuyện vỡ ống vẫn như trái bóng lửng lơ, không ai chịu trách nhiệm về những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, không ai chỉ ra giải pháp cụ thể nào.

Vinaconex thay vì là một doanh nghiệp Nhà nước như trước đã trở thành  công ty cổ phần, công ty đại chúng. Nhưng rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp này, đặc biệt là về nhà ở và các công trình xây dựng vẫn đã và đang được người dân và doanh nghiệp sử dụng. 

Lấy gì để đảm bảo hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội sẽ không bị vỡ một khi chưa có cách giải quyết triệt để. Niềm tin cho Vinaconex và cả hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng của Nhà nước sẽ bị lung lay. Đường ống nước mỗi lần bị vỡ là thêm một lần niềm tin của người dân bị “thất thoát”. 

MỚI - NÓNG