Thay đổi tư duy

Thay đổi tư duy
TP - Tuần qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường. Thực tế diễn biến vừa qua cho thấy, ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, nhiều sự cố nghiêm trọng gây bất ổn xã hội.

Thực trạng về môi trường nước ta đáng báo động: Chỉ 5% trong tổng số 615 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm, hầu hết chưa qua xử lý; 43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô lưu hành; sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật mỗi năm…

Đáng chú ý là nhận định sau của Bộ trưởng TNMT: FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường. Trong khi đó, lực lượng FDI lại đóng góp tới 70% tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước nhà.

Chưa có con số thống kê cụ thể, song chắc chắn một điều tốc độ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, và tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế. Cái giá của sự phát triển nóng là một thực tế khó chối bỏ không riêng gì ở Việt Nam. Bụi và ô nhiễm không khí ở mức nguy hại tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đất nước được mệnh danh là công xưởng của thế giới với tốc độ phát triển kinh tế “thần kỳ” suốt nhiều thập kỷ qua, là một bài học nhãn tiền.

Ngược với các nước đang phát triển, Đại sứ Pháp tại Hà Nội ông Jean Noel Poirier vừa cho phóng viên Tiền Phong biết, chất lượng không khí tại thủ đô Paris sạch hơn nhiều so với chính nó vào thời điểm những năm 1970. Còn tại Đức, từ năm 1999 phát thải khí nhà kính từ giao thông đường bộ đã bắt đầu giảm, mặc dù lưu lượng giao thông ngày một gia tăng đáng kể. Hiện mức thải này còn thấp hơn mức năm 1990. Một thập kỷ qua, Đức giảm mức tiêu thụ năng lượng 2,7% nhờ chính sách và công nghệ sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả, trong khi con số này tại Việt Nam tăng khoảng 12% mỗi năm. Trong các nước ASEAN, môi trường của Singapore là trong lành nhất nhờ chính sách phát triển kinh tế khôn ngoan thiên về dịch vụ cùng với một chính sách bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

Chính vì vậy, tại Hội nghị môi trường toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Một lần nữa, bài học từ sự cố Formosa buộc chúng ta không chỉ thay đổi tư duy mà phải bắt tay vào hành động cụ thể để bảo vệ môi trường bằng mọi giá. Đó chính là không gian sinh tồn và phát triển cho cả dân tộc, hôm nay và mãi mãi về sau.

MỚI - NÓNG