Theo tín hiệu thị trường

Theo tín hiệu thị trường
Hôm 17/8, lần thứ ba trong năm nay, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng tăng thêm 1.200đ/lít, dầu diezen tăng thêm 1.000đ/lít vì giá dầu thế giới tăng mạnh. 

Thậm chí, ngày 21/8, trả lời VTV, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng còn thừa nhận nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng vượt mức 70USD/thùng thì Bộ cũng đã có phương án chuẩn bị! 

Cùng trong thời gian này, Tổng Cty Bưu chính-Viễn thông (VNPT) đã gửi đề nghị lên Bộ BCVT xin giảm tới 20% giá cước thông tin di động 2 mạng Vinaphone và Mobifone từ 1/9, vì lý do cạnh tranh.

Hai sự kiện có vẻ như khác nhau, song về bản chất lại giống nhau bởi đó thực sự là động thái thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong điều hành giá-ấy là vận hành giá theo tín hiệu thị trường.

Ở sự kiện thứ nhất, mặc dù việc tăng giá lần này có ảnh hưởng tới chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất dịch vụ khác, nhưng là chuyện bất khả kháng vì giá dầu thô thế giới tăng lên mức 65-67 USD/thùng thay vì mức 50-55USD/thùng dự kiến khi xây dựng kế hoạch năm 2005. Bộ Tài chính xác định, sẽ dần đưa giá các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam thích ứng với giá thế giới, nhưng phải hạn chế các hệ quả tiêu cực.

Mục tiêu là hết năm 2006, giá xăng dầu trong nước sẽ được nâng dần lên ngang giá thế giới, sau đó để giá vận động theo tín hiệu  thị trường. Và 3 đợt tăng giá vừa rồi là các bước tập dượt cho mục tiêu ấy, để đạt được sự  ổn định các cân đối vĩ mô,  không tác động xấu đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát; đồng thời đạt được sự thích nghi chung của nền kinh tế, người tiêu dùng và các DN SXKD trong thời buổi hội nhập.

Ở sự kiện thứ hai, việc giảm giá vừa là do yêu cầu cạnh tranh (Vinaphone và Mobifone đã mất 68 ngàn thuê bao di động trong 2 tháng qua do giá cước của đối thủ là Viettel  và S-fone thấp hơn), vừa là tuân theo quy luật thị trường-khi dịch vụ kỹ thuật mới đã cung cấp hàng loạt, đầu tư về hệ thống mạng đã khấu hao hết thì giá dịch vụ phải  giảm để kích cầu và bắt đầu đầu tư cho dịch vụ chất lượng cao hơn. Về bản chất thì đây cũng  là vận động theo tín hiệu thị trường.

Quá trình đổi mới ở Việt Nam, xét ở góc độ quản lý kinh tế,  chính là làm sao kết hợp cho thật nhuần nhuyễn vai trò của Nhà nước  với vai trò của thị trường  để điều tiết hữu hiệu, đúng định hướng XHCN cho nền kinh tế. Nhà nước đã  nhận  thức đúng quy luật khách quan của thị trường  và đã  tự “sửa sang”, khắc phục những khiếm khuyết trong bộ máy để quản lý nền kinh tế thị trường.

Thực tiễn cho thấy,  thị trường có 3 chức năng vốn có (định giá, đánh giá; kích thích, huy động nguồn lực; cân bằng, điều tiết), mà cả 3 chức năng này, thị trường làm tốt nhất, bởi vậy Nhà nước nên để cho thị trường... “làm”.  Còn Nhà nước  thể hiện vừa là người tạo lập, vừa điều tiết và vừa  khắc phục những  khuyết tật, mặt trái của  kinh tế thị trường; đồng thời lại phải thực hiện vai trò định hướng phát triển nền kinh tế.

Kết hợp được một Nhà nước mạnh với cơ chế thị trường mạnh mới  có sự  tăng trưởng nhanh và bền vững. Bởi vậy, phải  mừng khi lộ trình vận hành giá theo tín hiệu thị trường đã được khởi động! 

MỚI - NÓNG