Thiên tai nắng nóng

Thiên tai nắng nóng
TP - Nắng nóng gay gắt kéo dài triền miên gây biết bao phiền toái về sức khỏe của hàng chục triệu người, làm suy giảm năng suất lao động trên hầu hết các lĩnh vực sản xuất nhưng việc phòng chống nắng nóng dường như không có nhạc trưởng.

Nắng nóng là hiện tượng cực đoan của tự nhiên, được quyết định bởi chế độ khí hậu toàn cầu hơn là địa phương. Tuy nhiên, đường sá, nhà, rừng, sông, biển ở Việt Nam có thể làm cho nắng nóng hoặc giảm nhẹ hoặc trở nên gay gắt hơn trên chính lãnh thổ nước ta. Thật không may, các yếu tố đó ở nước ta đều đang gây tác động ngược, làm cho nắng nóng trở nên khốc liệt hơn, gây hậu quả ghê gớm hơn.

Chưa bao giờ người ta thấy cái giá phải trả do nạn phá rừng tự nhiên như bây giờ. Phá rừng tự nhiên gần như đồng nghĩa với phá các tấm đệm hút nước tự nhiên vào mùa mưa để nhả dần vào mùa khô.

Hàng triệu héc ta rừng được trồng ở đầu nguồn các con sông từ Bắc chí Nam hơn chục năm qua nhưng không thể cứu vãn được tình cảnh các hồ thủy lợi, thủy điện và thượng nguồn các sông cạn kiệt như hiện nay.

Các cánh rừng trồng, chủ yếu là thuần một hoặc vài loài, lại có khả năng hấp thụ nhiệt và hấp thụ khí nhà kính - vốn làm cho khí quyển nóng lên - ít hơn so với rừng tự nhiên, khiến cho trời nóng không được làm dịu bớt bởi máy điều hòa không khí tự nhiên.

Thế là sau lũ lụt, khô hạn, bão tố, giờ đây, chúng ta bắt đầu cảm nhận được một loại thiên tai mới có sức tàn phá không kém - nắng nóng. Nhận biết được mối de dọa này, không ít nước có phản ứng mau lẹ để bảo vệ sức khỏe người dân.

Tại Vương quốc Anh, nơi nhiệt độ lên đến 32 độ C đã được xem là nắng nóng, chính quyền ban hành hẳn hệ thống báo động nắng nóng với bốn cấp (cấp một màu xanh lá cây với thông điệp “sẵn sàng cho mùa hè và lên kế hoạch dài hạn”, cấp hai có màu hổ phách kèm thông điệp “cảnh báo và sẵn sàng”, cấp ba màu đỏ kèm thông tin “hành động chống nắng nóng”, và cấp bốn là “khẩn cấp”).

Tại Mỹ, chính quyền một số thành phố có nắng nóng hoành hành cho dựng lều tạm trú và hệ thống cấp nước uống miễn phí cho người qua đường. Có nơi, chính quyền còn ra lệnh hạn chế xe cộ vào thành phố, cấm làm đường, đổ nhựa mới với bề mặt đen bóng để giảm mức độ hấp thụ nhiệt, v.v.

Ở ta dường như chưa thấy chuyện đó. Việc phòng chống nắng nóng hầu như chỉ được Bộ Y tế nhắc nhở các đơn vị trong ngành, quan tâm đến việc dựng thêm lều bạt, kê thêm giường nằm tại các bệnh viện công lập. Nhưng nắng nóng, vốn chưa được xem là một loại hình thiên tai ở nước ta, đâu chỉ gây hậu quả ở các cơ sở khám chữa bệnh?

Để có thể phòng chống nắng nóng bên ngoài bệnh viện như cách mà các nước đã và đang làm, các cơ quan, bộ, ngành khác, các chính quyền địa phương đâu cả rồi?

MỚI - NÓNG