Thiếu... cục bộ

Thiếu... cục bộ
TP - Ngay trước thềm năm học mới, tại một thành phố lớn như TPHCM, việc tưởng chừng vô lý đã xảy ra: thiếu sách giáo khoa nguyên bộ. Nhiều bậc cha mẹ học sinh lớp 7, lớp 10, lớp 11 phải chạy đôn chạy đáo, mua lẻ từng cuốn mà vẫn không đủ bộ sách cho con nhập học, trong khi nhà sách dù nhận tiền đặt cọc vẫn nói “chưa biết chắc bao giờ có”.

Tìm hiểu ra thì thấy, lượng sách giáo khoa đầu vào được nói là vẫn dồi dào như mọi năm, không có đột biến gì. Nhưng thiếu thì vẫn cứ thiếu và nguyên nhân được cho là do mối quan hệ mua bán, ăn chia giữa các đầu mối, từ nhà xuất bản, các công ty thiết bị trường học và các nhà sách… Nhưng cho dù chuyện tiền bạc ăn chia thế nào thì thực tế là trẻ đang thiếu sách học và điều này là không thể chấp nhận được. Cho dù quyền lợi của các bên ra sao, chuyện học hành của con trẻ luôn phải là thứ được ưu tiên hàng đầu. Tuy có thể dự đoán việc thiếu sách giáo khoa cục bộ tại TPHCM có thể sẽ được giải quyết trong nay mai, khi báo chí lên tiếng, khi Bộ Giáo dục& Đào tạo ngay sau đó “vào cuộc”, câu chuyện này nên được nhìn nhận ở một góc độ khác. Thị trường sách giáo khoa luôn sôi động vào mỗi dịp đầu năm học và những đơn vị kinh doanh thừa hiểu đây là thị trường ổn định, chắc ăn. Có thông tin nói năm nay công ty Cổ phần sách và Thiết bị trường học TPHCM đã chuẩn bị 5,3 triệu bản sách giáo khoa tăng 10% so với năm trước. Nhưng tại TPHCM, đâu chỉ có một công ty nói trên cung cấp sách giáo khoa.

Một trong những nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của vấn đề là sự độc tôn của một bộ sách duy nhất, từ duy nhất một nhà xuất bản với những kênh phân phối “cánh hẩu” của họ, kéo theo là hệ thống bán lẻ. Chỉ cần bất chợt quan hệ thương mại giữa các bên có vấn đề là tình trạng thiếu sách cục bộ xuất hiện. Nhưng thiếu sách cục bộ xem ra chỉ là chuyện nhỏ nếu xét đến những vấn đề khác.

Nhà nước đã chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, có nghĩa là đã xác định không thể chỉ có một bộ sách giáo khoa và nhà xuất bản Giáo dục sẽ không phải là đơn vị duy nhất được xuất bản sách giáo khoa. Đặt trong bối cảnh tình trạng xuất bản lộn xộn, bát nháo trong thời gian vừa qua, sẽ có một số người muốn trì hoãn tiến trình xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Người ta có thể viện dẫn rất nhiều cớ nhưng mới đây, một dự thảo về đổi mới cách học, cách giảng dạy trong trường phổ thông được đưa ra. Dự thảo trao quyền tự chủ nhiều hơn vào các trường, vào học sinh trong việc lựa chọn chương trình học phù hợp, giảm nhồi nhét, giảm áp đặt. Với cơ chế ấy, việc chỉ tồn tại bộ sách giáo khoa duy nhất sẽ là lạc hậu, kéo chậm sự đổi mới. Chính sự cạnh tranh và sự tự chịu trách nhiệm của các đơn vị soạn sách cũng như nhà trường sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường sách giáo khoa. Có thể sẽ có trục trặc ban đầu nhưng cơ chế đó, cùng sự giám sát của ngành chủ quản và xã hội  đảm bảo những sản phẩm sách chất lượng thấp ít có cơ hội tồn tại.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.