Thỏa hiệp

Thỏa hiệp
TP - Thông tư 02 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 2/4 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…” được ví như gáo nước lạnh giội lên những nỗ lực trong việc siết chặt kỷ cương xây dựng.

Một trong những nội dung căn bản của thông tư này khiến dư luận lo ngại là việc dùng tiền “mua” lại công trình sai phạm! 

Theo đó, chủ công trình xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc thiết kế đô thị được duyệt (tùy nhà ở riêng lẻ hay dự án nhà ở) có thể nộp phạt ở mức cao nhất là 40% (với nhà ở riêng lẻ), 50% (đối với dự án nhà ở) giá trị phần xây dựng sai phép.

Với một tư duy thuần kinh tế, nhà nước sẽ thu được khoản tiền đáng kể từ những công trình vi phạm thay vì cắt ngọn, phá bỏ… Phía chủ công trình vi phạm, thay vì “trắng tay” nếu bị buộc phá bỏ phần sai phạm thì nay được “mua lại” phần công trình sai phạm của chính mình. Về hình thức, cách tiếp cận này mang đến kết quả là “Nhà nước và người sai phạm đều có lợi”!

Tuy nhiên, mục tiêu quản lý của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng thể hiện trong thông tư này lại khá mơ hồ và mâu thuẫn. Nếu về mục tiêu kinh tế, để thu được nhiều tiền cho ngân sách, vô hình trung chúng ta lại khuyến khích vi phạm. Với các chủ đầu tư, thông tư này được coi như một “món quà” khó chối bỏ. 

Đơn cử, giá trị xây dựng nhà (gồm giá xây dựng và giá đất) ở các khu vực trung tâm đô thị thực tế rất thấp so với giá bán nhà trên thị trường. Vì lẽ đó mức phạt 50% giá trị phần vi phạm không đủ sức cản lại món lời hấp dẫn từ việc vi phạm mà có. Đây là “lá bùa” mê hoặc các chủ đầu tư vào cuộc đua vi phạm trật tự xây dựng?

Nhìn dưới góc độ pháp lý, Thông tư 02 với cơ chế cho phép “nộp phạt để tồn tại” dường như đang mâu thuẫn và ăn mòn những giá trị pháp lý được quy định tại các văn bản trên nó như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các nghị định. 

Ví như theo quy hoạch công trình được xây dựng 10 tầng, nay được xây dựng lên 12-15 tầng mà lại được tồn tại. Vậy quy hoạch được duyệt trước đó chẳng lẽ chỉ để cho vui. Hơn nữa, với vài tầng nhà vi phạm, công trình xây dựng sẽ không còn là chính nó bởi dân số sẽ tăng lên, khả năng chịu tải của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ bị biến đổi, yếu tố an toàn và tuổi thọ công trình không còn được đảm bảo…

Trong công tác quản lý xã hội, Thông tư 02 được xem như cách quản lý theo kiểu “thả gà ra đuổi” mà hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra ở hầu hết các công đoạn khi thực thi thông tư này. 

Một thói quen nhờn luật, coi thường kỷ cương phép nước sẽ ăn sâu trong suy nghĩ của người dân và cả những người thực thi công vụ trong lĩnh vực xây dựng sẽ là hậu quả khôn lường. Bộ mặt đô thị tương lai của đất nước không biết rồi sẽ ra sao? Có thể thấy, Thông tư 02 là bước thụt lùi về quản lý đô thị mà biểu hiện ở các cấp độ như “bất lực”, “thoả hiệp” và “đồng lõa” với vi phạm trong lĩnh vực xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.