Thử thách

Thử thách
TP - Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố gói giải pháp mới nhằm giảm dần lãi suất, hiện phổ biến ở mức trên dưới 20% /năm, thậm chí cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất lên tới 25%/năm.

> 'Đánh thức' 500 tấn vàng 

Như vậy, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thực hiện đúng theo tuyên bố lúc ông mới nhậm chức ít ngày trước, rằng sẽ sớm đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về mức 17-19%/năm. Quyết định được đưa ra sau khi lãnh đạo NHNN ngồi lại với đại diện 12 ngân hàng thương mại lớn hôm thứ sáu vừa qua.

Cụ thể, theo NHNN, các ngân hàng thương mại đã cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động tiền đồng 14%/năm; giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ giữa tháng 9, trong khi ấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng được nói vẫn kiềm chế ở mức dưới 20%.

Tuy nhiên, khi tốc độ lạm phát mới giảm đôi chút (trong tháng 8, chỉ số CPI tăng 0,93% so với tháng trước, thấp hơn mức 1,17% của tháng 7) chủ trương giảm lãi suất chắc chắn khiến không ít người lo lắng về việc lạm phát cả năm đang ở mức cao, có khả năng tăng tiếp.

Mới đây, một đại diện của hãng thẩm lượng tín dụng Standard and Poor’s nói, dự kiến giá cả giảm dần một phần là do những biện pháp chính phủ Việt Nam đang thực hiện. Ông cho rằng, chừng nào chính phủ vẫn tiếp tục chính sách hạn chế tín dụng, lạm phát sẽ dần nguội đi theo thời gian.

Nhưng sức ép phải giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay sản xuất-kinh doanh chắc chắn là rất lớn. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại thừa nhận trước thời điểm công bố quyết định của NHNN rằng, họ đang cho vay với lãi suất phổ biến 17,5-20%/năm, và chiếm tỷ lệ lớn là các khoản vay lãi suất 17,5-19%. Nhưng đó chỉ là các khoản vay ngắn hạn.

Với tình hình lãi suất như vậy, có thể nói các doanh nghiệp đang trong thời kỳ khó khăn, khả năng hoạt động cầm chừng, chờ “qua cơn bĩ cực” là rất cao. Sản xuất đình đốn ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân cũng như lạm phát hằng ngày làm vơi túi tiền vốn đã không dày dặn gì. Trong khi ấy, ngân hàng có tiền cũng khó mà cho vay vì sản xuất đình trệ.

Chính vì thế, giảm lãi suất không có nghĩa mục tiêu giảm lạm phát đã nhẹ đi. Theo thông tin từ nhiều ngân hàng, bước đầu, lãi suất giảm chỉ ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hay các mục đích như phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Riêng tín dụng phi sản xuất dồn cho chứng khoán, bất động sản... vẫn có thể bị siết.

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, lạm phát không chỉ bắt nguồn từ yếu tố lãi suất. Đó có thể là kết quả sự biến động của thị trường vàng và ngoại tệ, giá nguyên phụ liệu đầu vào như điện, xăng dầu… và rộng hơn là tình hình kinh tế toàn cầu.

Điều đó nói lên rằng, linh hoạt và chủ động chắc chắn là những yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời điểm này.Vừa chống lạm phát, vừa ở mức độ nào đó thúc đẩy tăng trưởng, là thử thách đối với tân thống đốc NHNN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.