Thuế nhập khẩu ôtô - Chủ động hay mò mẫm hội nhập?

Thuế nhập khẩu ôtô - Chủ động hay mò mẫm hội nhập?
TP - “Cắt giảm thuế là một trong những cam kết bắt buộc với tất cả các quốc gia khi hội nhập kinh tế quốc tế, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cam kết này lại được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước.

Điều này có nghĩa mục tiêu là cố định và đích đến là có thời hạn, nhưng cách thức để đạt được mục tiêu là do mỗi quốc gia tự quyết định, tùy theo hoàn cảnh thực tế của nước mình”. Lời khẳng định trên của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung (đăng trên báo Nhân dân, số  ra ngày 24/3/2008) là rất bài bản và khúc chiết.

“Mức cam kết gia nhập WTO là mức cam kết trần. Trong phạm vi đó, Nhà nước có thể điều hành mức thuế suất phù hợp tình hình thực tế, miễn là không vượt quá mức cam kết trần”. Một phương thức điều hành của Bộ Tài chính rất sáng suốt!

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu ô-tô xuống 70% vì “mức thuế nhập khẩu 70% áp dụng cho mặt hàng ô-tô là hợp lý”. Bộ Tài chính khẳng định.

Chỉ một thời gian ngắn, tháng 11/2007, mức thuế giảm từ 70% xuống 60% “là để giải quyết vấn đề cung cầu do nhu cầu ô-tô tăng đột biến”, Bộ Tài chính giải thích.

Rồi ngày 11/3, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô-tô từ 60% lên 70% nhằm hạn chế nhập siêu, giảm ùn tắc giao thông và góp phần bảo đảm cân đối vĩ mô của Nhà nước. Bộ Tài chính biện minh cho quyết định tăng thuế nhập khẩu ô-tô trở lại. Một quyết định kịp thời của Bộ vào thời điểm củi quế gạo châu, “giá nguyên liệu, năng lượng, lương thực... liên tục tăng cao”.

Tách riêng từng việc, các quyết định của Bộ Tài chính, như Bộ trình bày đều đúng và có trách nhiệm cả. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể và sau một năm hội nhập, người dân không thể không đặt ra một số câu hỏi. 

1. Khi ấn định mức độtốc độ giảm thuế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc như vừa qua, trong tình hình èo uột của ngành lắp ráp ô-tô trong nước mà Bộ đã ra sức bảo hộ bằng chính sách thuế ưu đãi, gần hai mươi năm vẫn không lớn lên nổi, Bộ Tài chính đã dự báo các hệ quả ra sao, trong đó có số lượng ô-tô mà người tiêu dùng sẽ nhập, mức độ góp phần vào nhập siêu? (Ở đây xin được loại trừ những trường hợp “chơi sang” hay “chơi ngông”!). Không thể nghĩ rằng Bộ Tài chính không có dự báo. Có phải chất lượng dự báo của Bộ không được tốt như Bộ đã gián tiếp công nhận rằng “liều thuốc tăng cung cho thị trường ô-tô dường như đã quá nhạy”?

2. Bộ Tài chính có nghĩ rằng chính lộ trình giảm thuế vừa qua của Bộ đối với ô-tô đã khơi luồng cho việc bùng phát nhập khẩu mặt hàng này? Đã là một tác nhân của nhập siêu hay không? Có lẽ Bộ cũng đã thấy nên đã quyết định tăng lại từ 60% lên 70% kể từ ngày 11/3/2008. Nhưng xin Bộ hãy nói rằng quyết định mới này là để sửa chữa một sai lầm và nhất là xin đừng kể công “không những làm giảm nhập siêu, hạn chế ùn tắc giao thông, mà còn góp phần bảo đảm cân đối vĩ mô của Nhà nước”!

3. Tiếp cận chân lý là một quá trình, có làm có sai, sai thì sửa. Tuy nhiên, ngày nay khoa học dự báo tiến khá nhanh, các nhà quản lý thay dần cách “làm ào ào sai rồi sửa”, hay “mò mẫm làm, sai rồi sửa” bằng cách dự báo nhiều tình huống để từ đó lựa chọn phương án tối ưu, có tính đến những ràng buộc.

Đội ngũ cán bộ khoa học trong Bộ Tài chính không ít. Lãnh đạo Bộ đã huy động nguồn lực này như thế nào trong các quyết định của mình, đặc biệt trong công tác dự báo các tác động trước khi Bộ ban hành một văn bản pháp quy trong phạm vi trách nhiệm của mình?

Vì sự phát triển nhanh và bền vững và vì sự hội nhập chủ động vào nền kinh tế thế giới, mong rằng những khuyết điểm sẽ được nghiêm túc nhìn nhận và sửa chữa.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân

MỚI - NÓNG