Tiền chùa

Tiền chùa
TP - Chuyện lãng phí tài sản công thời nào cũng lo. Thời này, Bộ Tài chính đang xây dựng một cây “gậy” (theo cách nói của đại diện bộ này) nhằm giám sát chi tiêu của các bộ, ngành, địa phương. Thời buổi khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng, nguy cơ phá sản hàng loạt, thu được đồng thuế cho ngân sách không đơn giản.

> Mua sắm tài sản công tập trung: Bảo bối chống lãng phí

Nay, theo đề án về cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung (của Bộ Tài chính) nếu áp dụng có thể tiết kiệm được cả nghìn tỷ đồng.

Một nghìn tỷ đồng bằng và hơn tổng thu ngân sách của nhiều tỉnh nghèo. Nếu quy ra thóc cứu trợ, hỗ trợ giáp hạt thì không biết bao nhiêu hộ nghèo có cơm ăn; bao nhiêu gia đình chính sách vượt qua cơn khốn khó. Ngộ nhỡ từ đó mà suy ra Sân vận động Hoài Đức-Hà Nội (bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng xây hoành tráng) thì xây được 5 cái; quy ra trụ sở hành chính của nhiều cấp chính quyền (uy nghi, hoành tráng) cũng được mươi cái công đường. Một con số biết nói.

Một chính sách thí điểm sau 5 năm cho thấy nhiều hiệu quả, ấy vậy mà không nhiều địa phương hoặc bộ ngành muốn thực hiện. Tất nhiên, việc bỗng dưng muốn sắm sửa, chi tiêu việc này, việc kia phải thông qua một đầu mối không đơn giản, ở đó cũng dễ nảy sinh cơ chế xin-cho.

Dân gian vẫn ví tiền ngân sách là tiền chùa. Mà tiền chùa là tiền của chúng sinh thập phương cúng tiến. Nó là của tất cả, nhưng cũng chẳng của ai. Khi người ta chi tiêu thường ít khi bị lương tâm cắn rứt, động lòng trắc ẩn. Có phải thế chăng, đã có thời gian khi dùng tiền ngân sách từ nguồn thuế do dân đóng góp, người ta thường “vung tay quá trán” với xe sang, trụ sở long lanh, hoành tráng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG