Tiên trách kỷ

Tiên trách kỷ
TP - Một thị trường lao động nước ngoài mỗi năm mang về lượng kiều hối 700 triệu USD, bằng 1/3 số tiền lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc gửi về nước đang dần khép lại với lý do dai dẳng: lao động bỏ trốn, không chịu về nước sau khi hợp đồng tại Hàn Quốc kết thúc.

Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm mà đỉnh điểm là cuối năm 2012, khi số lao động Việt bỏ trốn lên đến trên 50%. Năm 2014, tuy không cao như mức đó nhưng tỷ lệ lao động “ở chui” vẫn rất đáng lo ngại, hơn 35%.

Tất nhiên, hành vi của một số lao động nước ta tại thị trường Hàn Quốc bắt nguồn từ ý thức pháp luật kém, thứ luôn là điểm yếu được đề cập mỗi khi nói về lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc.Cho dù các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn đánh giá cao về sự cần cù, thông minh của lao động Việt, nhưng đối với một quốc gia có yêu cầu cao về kỷ cương xã hội như Hàn Quốc, những ưu điểm của lao động Việt Nam cũng không thể khiến họ nương tay với tình trạng sống “ngoài vòng pháp luật” của người lao động.

Các nhà quản lý đã đặt ra các quy định chế tài đối với lao động bỏ trốn như bắt buộc ký quỹ, phạt tiền tới 100 triệu đồng mà tình trạng lao động hết hợp đồng vẫn “ở chui”, “lao động chui”, chấp nhận chịu phạt thì ngoài nguyên nhân ý thức kém, cũng cần phải xem xét vấn đề ở những khía cạnh khác.

Anh Hoàng Văn Hiền, 38 tuổi, từng đi lao động xuất khẩu qua Hàn Quốc và hiện sống tại quận Tân Bình, TPHCM cho biết cũng bỏ trốn sau khi hợp đồng lao động kết thúc. Do lúc đó đã giao tiếp được bằng tiếng Hàn, anh được một số người Hàn Quốc cưu mang, thậm chí cho trú nhờ mỗi khi cảnh sát Hàn truy bắt lao động nước ngoài không chịu về nước khi hết hợp đồng. Tuy nhiên, anh nói, chưa hẳn “ý thức kém” là nguyên nhân chủ yếu, hoặc nói vậy cũng chưa đầy đủ. Bởi theo anh, và cũng theo một số lao động khác, họ đã phải chi hàng ngàn USD, có người đến cả chục ngàn USD cho dịch vụ, phí môi giới mà hầu hết là phải đi vay mượn, để có được hợp đồng qua nước bạn làm thuê.

“Có ai muốn lang thang xứ người, có ai không muốn đoàn tụ gia đình, vợ con. Nhưng vay mượn, thậm chí là vay nặng lãi, mới đủ tiền đi được, cũng dễ hiểu là chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để thu hồi vốn, để tranh thủ kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy”, anh Hiền nói.

Anh bảo, nếu theo lý thuyết, mỗi lao động Việt chỉ phải chi trả vài trăm USD cho dịch vụ môi giới để có một hợp đồng lao động ở Hàn Quốc thì “đỡ quá” và chắc chắn con số lao động bỏ trốn không nhiều như thế.

Nói ý thức của người Việt khi ra nước ngoài lao động kém là không sai. Nhưng chỉ kết luận đơn giản vậy là chưa đầy đủ, bởi bao năm nay, tình trạng cò mồi, tầng nấc trung gian, thiếu minh bạch về thông tin, một trong những nguyên nhân, thậm chí là nguồn cơn dẫn đến nạn lao động bỏ trốn, chưa được xử lý triệt để.

MỚI - NÓNG