Tiếp lực cho đổi mới

Tiếp lực cho đổi mới
Hội nghị TW 12 vừa qua đã thống nhất cao về việc đề nghị cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô, mức độ, ngành nghề trong khuôn khổ pháp luật.

Đây là một trong những thay đổi căn bản và đặc biệt quan trọng nếu được Đại hội Đảng X thông qua, hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá trên con đường phát triển của đất nước.

Làm thế nào để nâng cao được sức sản xuất của xã hội? Một trong những giải pháp là khai thác tốt nhất và phát huy nội lực sẵn có , hiểu theo một nghĩa nào đó, chính là việc dỡ bỏ những trói buộc và giải phóng được các nguồn lực xã hội.

Chúng ta đã có những kinh nghiệm ngoạn mục về vấn đề này: Từ chỗ thiếu đói, chủ trương khoán trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới;

Luật doanh nghiệp mới ra đời ít năm đã huy động được từ trong dân một lượng vốn khổng lồ hàng tỷ USD, tạo thêm cả triệu việc làm…Hoàn toàn chẳng có phép màu nào cả, ngoài sự giải phóng về tư duy đã đem lại những thành công.

Đại hội Đảng VI năm 1986 là minh chứng hùng hồn nhất cho sự đổi mới tư duy của Đảng ta trước hoàn cảnh ngặt nghèo lúc bấy giờ.

Và chính sự dũng cảm dám vượt thoát khỏi quỹ đạo tư duy cũ đã giúp đất nước thoát khỏi sự trì trệ kéo dài suốt hàng chục năm của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.

Nền tảng và quả ngọt của công cuộc đổi mới ngày nay có được chính nhờ sự khai phóng tư duy đã thổi luồng sinh khí tươi mới vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội...“Nhật nhật tân, hựu nhật tân”, mỗi ngày mỗi đổi mới, sự đúc kết anh minh ấy chưa bao giờ mất tính thời sự.

Thành tựu của gần 20 năm đổi mới là vô cùng to lớn, nhưng còn một chân lý khác là cái gì mới rồi cũng phải cũ đi. Điều đó có nghĩa là cần tiếp thêm sức sống cho sự  nghiệp đổi mới, hay nói cách khác là tiếp tục đổi mới chính công cuộc đổi mới bằng những giải pháp mang tính đột phá, khi đòi hỏi từ cuộc sống trở nên bức thiết.

Đảng viên được làm kinh tế tư nhân rõ ràng là một bước tiến lớn, nhưng dường như mới chỉ là sự khởi đầu cho những quyết sách căn cơ hơn. Muốn việc này trở nên hiện thực, trước hết phải giải quyết những băn khoăn xuất phát từ quan niệm cũ về bóc lột.

 Khúc mắc tiếp theo cần giải quyết có lẽ là lý giải sự khác nhau giữa các đảng viên làm kinh tế tư nhân với những doanh nhân bình thường, trên tất cả các phương diện trách nhiệm, quyền và lợi ích với tư cách công dân bình đẳng.

Có như vậy chúng ta mới thực sự giải phóng được một bộ phận quan trọng của sức sản xuất và huy động được tất cả các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

MỚI - NÓNG