Tình thế & chiến lược

Tình thế & chiến lược
TP - Trong vòng chưa đầy hai tháng cuối năm 2014 vừa qua, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tổng vốn đầu tư lên tới gần 900 triệu USD. Một vụ đứt cáp cẩu vào ngày 6/11 làm 1 người chết tại chỗ, 2 người bị thương, đè nát 3 xe máy.

Một vụ sập giàn giáo ngày 28/12 suýt chôn sống chiếc taxi hãng Quê Lụa, tài xế và 3 nữ hành khách thoát chết trong gang tấc. Cả hai vụ tai nạn chỉ cách nhau chưa đầy 1 km và đều trên trục đường đông đúc bậc nhất thủ đô, đường Nguyễn Trãi. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, còn tổng thầu và tư vấn giám sát đều là của Trung Quốc.

Một dự án giao thông lớn và quan trọng bậc nhất tại thủ đô mà liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn như trên là không thể chấp nhận được. Người dân thủ đô thực sự lo lắng và có cảm giác bất an khi phải đi lại ngay dưới công trường thi công tuyến đường sắt kéo dài tới 13 km này (từ Cát Linh - Đống Đa tới Yên Nghĩa - Hà Đông).

Tại cuộc họp chiều qua 4/1, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chính thức cảnh cáo đơn vị tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đồng thời ông Thăng cũng đưa ra một loạt giải pháp như : Thay thế ngay tổng chỉ huy công trường, chấm dứt hợp đồng ngay với tư vấn giám sát của Trung Quốc…

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Nếu Tập đoàn Cục 6 không chấp nhận phương án đó, tôi sẽ báo cáo Chính phủ chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Cục 6 và kiến nghị thay tổng thầu khác. Đây là cơ hội cuối cùng để Tập đoàn Cục 6 khắc phục và sửa sai. Nhưng chúng tôi không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa”.

Rõ ràng hành động của Bộ trưởng Thăng là rất quyết liệt, không chỉ cách chức, giáng chức ngay lập tức hàng loạt các cá nhân liên quan phía Việt Nam mà còn thay tư vấn giám sát và dọa sẽ thay cả tổng thầu phía Trung Quốc. Đó là điều rất cần làm và chắc chắn những xử lý kiên quyết, kịp thời của Bộ trưởng Thăng trong bối cảnh hiện nay sẽ tiếp tục được dư luận hoan nghênh.

Thế nhưng, những biện pháp mang tính tình thế nêu trên dường như vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ mang tính bền vững. Liệu Bộ trưởng Thăng có giám sát nổi hàng trăm, hàng ngàn các công trình hạ tầng giao thông lớn nhỏ đang và sắp thi công trên khắp cả nước? Liệu bao nhiêu quyết định “cách chức”, “thay thế” nữa sẽ được đưa ra?

Dư luận mong rằng, bên cạnh các giải pháp tình thế quyết liệt và đúng đắn nêu trên, Bộ GTVT cần có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ hơn. Chỉ với những quy định nghiêm ngặt mang tính pháp lệnh về chất lượng nhà thầu, giám sát thi công, an toàn lao động… mới hy vọng chấm dứt tình trạng làm bừa, làm ẩu, coi thường tính mạng con người như vừa xảy ra mà thôi.

MỚI - NÓNG