Tội ác đường phố

Tội ác đường phố
TP - Vụ bọn cướp cạn dùng dao kiếm chém gần đứt cánh tay một cô gái để cướp xe máy ở TPHCM cùng hàng loạt chuyện cướp bóc hung hãn trong thời gian gần đây đang là nỗi lo thường trực của nhiều người dân lương thiện.

> Bị chém lìa tay, nối được không?
> Băng cướp 'chặt tay' khai gì?
> Bị cướp chém lìa tay, cô gái chưa hết bàng hoàng

Một đại diện công an TPHCM đã thừa nhận rằng, các vụ tội phạm, nhất là tội phạm trên đường phố “có dấu hiệu tăng”.

Trung tá Vũ Như Hà, Phó chánh Văn phòng Công an TPHCM cũng cho rằng, cần có nhiều nghiên cứu tổng quát từ nhiều khía cạnh về chuyện vì sao tội phạm ngày càng trẻ, hành động man rợ hơn, chứ chỉ riêng ngành công an thông qua vài vụ để đánh giá sẽ là phiến diện.

Xin không lạm bàn về việc của các chuyên gia tội phạm, nhưng từ thực tế của các phóng viên, có thể thấy trong xã hội đang tồn tại nhiều điều kiện, nhiều môi trường dẫn đến việc cái ác lộng hành.

Một phóng viên điều tra cho hay, ở TPHCM, rất dễ mua hung khí. Chỉ 100 -150 ngàn đồng là có thể mua một cây dao bấm, 1 triệu đồng là có dao kèm súng điện.

Dao, kiếm, phớ, súng quân dụng… được nhập lậu từ các nước lân cận không quá khó khăn để tới tay những kẻ ác tâm với cái giá chỉ vài triệu đồng.

Trong những vụ cướp man rợ gần đây, những loại hung khí này luôn xuất hiện và là phương tiện để bọn cướp chém gần lìa tay nạn nhân nữ ở quận 2- TPHCM, lấy đi sinh mạng của một sinh viên vừa tốt nghiệp, làm trọng thương một đại úy công an…

Điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ trọng án gần đây là tội phạm hầu hết là người trẻ, ít học, thất nghiệp.

Thông thường ba đặc điểm này luôn là yếu tố quan trọng “đóng góp” vào tình hình tội phạm của bất cứ quốc gia nào. Nhưng sự manh động bất thường chắc chắn có liên hệ với những bất ổn xã hội.

Công an tăng cường ra quân, tăng cường các đợt cao điểm là hoàn toàn cần thiết. Nhưng giải quyết tình hình tội phạm hiện nay nên liên hệ với nền kinh tế, điều kiện công ăn việc làm và các vấn đề khác nữa.

Người xưa nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng trong xã hội hiện đại, không nên chỉ hiểu “bần cùng” đơn giản là miếng cơm, manh áo. Đó còn có thể là những cơ hội khai mở về tư duy, định hướng cuộc đời…

Vì thế, giải quyết tình trạng tội phạm, nhất là tội phạm trẻ đòi hỏi nhiều giải pháp mang tính toàn diện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG