Tội ác và hình phạt

Tội ác và hình phạt
TP - Được xác định thực hiện hai hành vi đặc biệt nghiêm trọng “giết người” và “cướp tài sản” trong vụ cướp tiệm vàng, Lê Văn Luyện có thể chỉ nhận 18 năm tù, do chưa đủ tuổi thành niên. Nhiều bạn đọc bình luận hình phạt đó quá nhẹ, không đủ răn đe “tội phạm nhí” đang xuất hiện ngày một nhiều.

Bước đầu làm rõ, Luyện sắm sửa hung khí, nghiên cứu hiện trường, trong đêm một mình trèo cây cậy cửa, vào nhà người khác giết và cướp. Gây án xong bình tĩnh cất giấu tang vật và trốn chạy...

Tôi ủng hộ “tử hình” kẻ nào giết ba người, làm bị thương một người, với mục đích cướp tài sản. Tuy nhiên, để loại bỏ vĩnh viễn một người ra khỏi xã hội, thẩm phán và hội thẩm không chỉ căn cứ tính chất mức độ hành vi phạm tội, họ còn xét điều kiện hoàn cảnh phạm tội, nhân thân người phạm tội, và nhiều yếu tố khác. Bản án tử hình thường có thêm câu “bị cáo không còn khả năng giáo dục, cải tạo để trở thành người tốt”.

Luyện chưa tiền án, tiền sự, được tiếng ngoan ngoãn, hiền lành, vì sao “bỗng dưng” phạm tội? Luyện thực sự “không còn khả năng giáo dục, cải tạo để trở thành người tốt”? Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn những kẻ phạm tội kiểu này?

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra... Câu trả lời đầy đủ có lẽ chỉ đến ở một phiên toà công khai, dân chủ, nơi HĐXX xem xét vấn đề một cách toàn diện, bị cáo có luật sư bào chữa và được quyền tự bào chữa.

Hình phạt cho Luyện không khó đoán. Quan toà không “áp dụng dư luận”. Họ chỉ áp dụng pháp luật. Giả sử trước khi mở toà, Quốc hội cho phép tử hình vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, điều đó cũng không áp dụng với Luyện, bởi chỉ những thay đổi pháp luật có lợi cho bị cáo mới áp dụng ngay lập tức.

Vì vậy điều tôi thực sự muốn biết ở phiên toà xét xử Luyện, đó là bị cáo đã học được từ đâu kiểu giết người cướp của dã man như vậy. Thậm chí muốn biết từ đâu mà bị cáo nảy sinh cái ý định, rồi nuôi dưỡng rồi biến nó thành phương án, rồi thành cái quyết tâm gây án đến tận cùng như vậy.

Trong những ngày theo dõi, trong những lúc lên kế hoạch, trong cái đêm dài dằng dặc lẻn vào núp ở tiệm vàng chờ thời cơ hành động, chẳng lẽ không có giây phút nào Luyện thấy sợ hãi, thấy cần dừng lại? Trong những ngày trốn chạy, chẳng lẽ không lúc nào Luyện thấy nên ra đầu thú? Giờ đây trong trại tạm giam, Luyện có thấy lương tâm cắn rứt đến mức không ăn không ngủ được?

Cần làm rõ những câu hỏi này, mới nhận định chính xác hoàn cảnh điều kiện phạm tội của bị can, mới đề ra được những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Khi bản án nhận định “bị cáo không còn khả năng giáo dục, cải tạo để trở thành người tốt”, câu này đã bao hàm cả trách nhiệm không chỉ của gia đình bị cáo, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG