Trách nhiệm

Trách nhiệm
TP - Giữa cửa ngõ Thủ đô, xe khách đường dài đón khách sai quy định gây mất an toàn diễn ra công khai, ngay trước mắt chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội, các công chức đang phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

>> Một ngã ba, hai đội CSGT quản không xong

Chỉ cần thực thi các quy định, chế tài xử lý sai phạm trong hoạt động vận tải tuyến cố định thôi, đã có thể đưa hoạt động này vào quy củ, trật tự và bình đẳng.

Tiếc rằng, điều tưởng như đơn giản này lại chẳng cơ quan chức năng nào thực hiện nghiêm túc. Lộn xộn, ùn tắc và nhếch nhác xung quanh các bến xe của Hà Nội cứ bám rễ từ năm này sang năm khác.

Vì sao lại thế?

Trả lời phóng viên báo Tiền Phong, hai lý do mà Đội CSGT số 6 và Đội CSGT huyện Từ Liêm đưa ra là ngại xử lý vì liên quan đến chồng chéo địa bàn; và chế tài xử lý quá nhẹ không đủ răn đe!

Những lý do cũ rích ấy dường như khỏa lấp đi những khiếm khuyết trong thi hành công vụ. Luật cho phép khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, mọi công dân đều có quyền tham gia ngăn chặn. Thế mà CSGT tham gia xử lý các sai phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông lại ngại (?).

Còn nếu vì lý do chế tài nhẹ, không đủ sức răn đe mà không muốn xử lý thì chính cơ quan chức năng đã tạo một môi trường không tôn trọng luật pháp. Thay vì kêu ca, phàn nàn, hãy làm hết chức trách của mình hẳn những chiếc xe vi phạm cũng không còn đất sống rồi.

Trong công tác quản lý hoạt động vận tải tuyến cố định cũng như quản lý bến xe có rất nhiều tầng nấc đan xen như quản lý nhà nước của Sở GTVT, của thanh tra GTVT, của Cty quản lý bến xe, cảnh sát địa bàn, cảnh sát giao thông và các trạm công an đóng tại bến xe.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là những đoàn xe lông nhông đón khách ngoài đường hằng ngày vẫn qua mặt tất thảy các barie này?

Đại diện lực lượng CSGT đổ lỗi cho thanh tra GTVT, nhưng thanh tra GTVT lại thoái thác: “Chúng tôi không được phép dừng xe để xử lý”. Còn Cty quản lý bến xe viện dẫn rằng: “Cty chỉ quản lý những gì trong bến xe”. Vân vân và vân vân.

Quả bóng trách nhiệm sẽ cứ bị ban qua, ban lại mãi nếu cơ quan chức năng không tự soi mình bằng cái tâm với nghề, với nhân dân.

Một khía cạnh nghiêm trọng khác của vấn đề là Hà Nội có trên 3.400 lượt xe mỗi ngày nhưng Sở GTVT lại chỉ quản lý được 1.400 lượt xe của các doanh nghiệp Hà Nội.

Theo Quyết định số 16/2007 của Bộ GTVT, chỉ cần sự chấp thuận của một sở GTVT (GTCC) về tuyến liên tỉnh nối với đầu Hà Nội là doanh nghiệp có thể ký hợp đồng với Cty bến xe mà không cần qua Sở GTVT Hà Nội.

Vậy là các xe khách liên tỉnh từ các địa phương ùn ùn kéo vào các bến của Hà Nội bất chấp bến xe có đủ diện tích, đường sá, hạ tầng và tình hình an ninh trật tự có đảm bảo.

Xe nhiều nhưng khách lại ít. Để có khách nhiều, nhà xe phải chạy lòng vòng để bắt khách. Không loại trừ việc nhà xe phải chung chi cho lực lượng chức năng.

Nếu công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải tuyến cố định được chặt chẽ hơn, có tính đến đặc thù của từng địa phương nhất là tại địa bàn Hà Nội, có lẽ chúng ta không rơi tình cảnh tự lấy đá ghè chân mình.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.