Trách nhiệm

Trách nhiệm
TP - Mấy ngày nay dư luận nóng lên bởi chuyện nước sạch cho cư dân Thủ đô. Tuyến đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà liên tục vỡ và đã vỡ đến lần thứ 9. Nhiều chuyên gia dự đoán đó chưa là con số sau cùng. Nước từ sông Đà về đã vậy, nên hàng vạn hộ dân đôn đáo tự giải tỏa cơn khát bằng khai thác giếng khoan. 

Nhưng, cảnh báo từ cơ quan y tế, nước ngầm Hà Nội đang nhiễm asen nghiêm trọng.


Hơn 7 vạn hộ dân táo tác tìm nước sạch như chạy loạn. Đến nông nỗi này, dân tình ngơ ngác nhìn nhau bởi không và chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm. Một hệ thống cấp nước sạch đầu tư cả 1.500 tỷ đồng từ tiền thuế của dân, được gắn cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam lại khiến cho người dân luôn sống trong thấp thỏm, lo âu.

Quả bóng trách nhiệm như làm xiếc chạy rối mù hết từ chủ đầu tư, đến Cục giám định, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương, các nhà thầu thiết kế, thi công, cung ứng vật liệu đến đơn vị quản lý vận hành khai thác. 

Quá nhiều đầu mối chịu trách nhiệm liệu có đến chung cuộc hòa cả làng? Bức quá khi chỉ trong 2 ngày có đến 2 lần vỡ ống nước thì trách nhiệm thuộc về ai được xem xét có vẻ nghiêm túc và thấu đáo. 

Động thái Cục giám định yêu cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng xuống hiện trường lấy mẫu giám định, thí nghiệm và đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đường ống và chỉ ra nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên là chất lượng đường ống không đồng đều, không đảm bảo.

Dư luận rộ lên câu hỏi: Sao mãi đến lúc này việc đáng ra phải làm từ đầu mới được thực hiện? Khi vụ việc được đẩy lên đỉnh điểm với những ý kiến mạnh mẽ cần phải thay chủ đầu tư Tổng Cty Vinaconex, hay cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự từng cá nhân liên quan. Việc nhiều ý kiến đầy trách nhiệm đặt nghi vấn có hay không lợi ích nhóm trong vụ việc này không phải là không có lí, khi trách nhiệm thuộc về ai đang được dát mỏng.

Mãi cho đến chiều hôm qua, 15/7, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, nói về việc đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex mới “muốn nói lời xin lỗi với nhân dân vì chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò như nhân dân mong đợi”.

Và tại hội nghị này, ông Hà hé lộ điều mà bấy lâu nhiều người đã chập chờn nghi ngại rằng, “máy móc là của Trung Quốc nhưng chúng tôi quản lý theo tiêu chuẩn của Mỹ”. 

Trước câu hỏi về việc lãnh đạo Vinaconex có từ chức sau vụ việc này hay không? Ông Vũ Quý Hà cho rằng: “Nếu cổ đông nhận thấy chúng tôi điều hành không đủ năng lực, hiệu quả thì có quyền đề xuất cách chức”. Và ông cũng cho biết “Chúng tôi rất tiếc và ân hận trong việc gây sự phiền hà cho người dân. Khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã phát động cả hệ thống, cả công ty để khắc phục sửa chữa sự cố”.

Sự lấy làm tiếc và ân hận của ông Tổng giám đốc không biết chân thành đến đâu, chỉ biết đường ống vỡ đến lần thứ 9 ông mới đăng đàn giải trình. Đã chi 500 tỷ đồng cho khắc phục sự cố và đường ống vẫn nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Một lời xin lỗi, một sự ân hận, trách nhiệm thế là xong chăng?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.