Trách nhiệm lịch sử

Trách nhiệm lịch sử
TP - Tại kỳ họp lần này, gần 500 đại biểu của nhân dân sẽ phải đưa ra những quyết định mang dấu ấn thời đại. Đó là việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi.

> Thủ tướng trình bày Báo cáo kinh tế - xã hội
> Tăng trưởng GDP 'thua xa' mục tiêu đề ra

Lịch sử lập pháp đã nhiều lần chứng kiến những bản Hiến pháp được đưa ra xem xét sửa đổi và chúng đều gắn với sứ mệnh lịch sử của một thời kỳ trong tiến trình phát triển của dân tộc. Sứ mệnh 20 năm của bản Hiến pháp 1992 đã được lịch sử ghi nhận với nhiều dấu ấn.

Đó là một Việt Nam vươn lên để chiến thắng giặc đói, đẩy lùi cái nghèo. Một Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về y tế, giáo dục, học vấn cũng như tuổi thọ của người dân.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên chúng ta đã từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ và đang tiến dần đến một nền kinh tế có hàm lượng trí tuệ cao. Móng có sâu mới có thể xây được nhà cao!

Thành tựu không thể không nhắc đến trong 20 năm qua còn là vị thế và sự hội nhập vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế. Một Việt Nam cởi mở, thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng được coi như những viên gạch hồng lót đường cho đất nước tiến xa.

Dù vậy, đứng trước yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, có những điều mà ngày hôm qua đã giúp cho đất nước bứt phá đi lên thì nay đã trở nên lỗi thời, thậm chí có thể trở thành vật cản. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ không ít hạn chế.

Mô hình tăng trưởng kinh tế kéo dài cả thập kỷ trước đây xem ra không còn phù hợp; chất lượng giáo dục, y tế bộc lộ nhiều hạn chế; nguồn nhân lực rẻ từng là lợi thế nay tỏ rõ sự hụt hơi trong cuộc đua hội nhập. Nền nông nghiệp manh mún phân bổ tư liệu sản xuất theo kiểu bình quân chủ nghĩa nay đã không hội đủ sức mạnh cạnh tranh…

Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được xem là đòi hỏi tất yếu, tựa như một đôi cánh nâng tầm Tổ quốc trong bối cảnh vận nước đang lên. Bản Hiến pháp phải là nơi hội tụ tinh hoa, ý nguyện và cả sự tâm huyết của 90 triệu con dân đất Việt.

Nói tóm lại, bản Hiến pháp sửa đổi lần này không chỉ là nền tảng pháp lý để đất nước phát triển trong hiện tại mà vươn đến tầm cao thời đại. Để bản Hiến pháp xứng với mong mỏi của nhân dân, xứng với yêu cầu của lịch sử, đòi hỏi mỗi đại biểu của dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc, biết đặt lợi ích của đất nước lên trên, trăn trở, đào sâu nghiên cứu và cả những đánh giá nhận định sắc bén về thời cuộc về xu thế vận động khách quan của thực tiễn.

Những đại biểu của nhân dân biểu quyết thông qua bản Hiến pháp tại kỳ họp này được coi là một vinh dự lớn lao mang tính lịch sử. Nhưng trách nhiệm lịch sử cũng đặt lên vai họ khi phải cùng nhau kiến tạo nên một bản Hiến pháp mang giá trị của thời đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG