Trách nhiệm trước sự đã rồi

Trách nhiệm trước sự đã rồi
TP - “Lịch sử không phải là cái sọt rác để phi tang những sai lầm của quá khứ”- Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong về thực trạng cấp đất ồ ạt cho các dự án tại Hà Tây, Hòa Bình trước ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Bất chấp việc Chính phủ lường trước và có biện pháp ngăn ngừa, tình trạng tháo khoán trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép cho hàng loạt dự án đầu tư bất động sản vẫn diễn ra như một sự đã rồi để đẩy vào lịch sử.

Một sự đã rồi có thể là việc đúng, cũng có thể là việc sai trái nhưng thông thường đó là những việc mà người ta không mong muốn. Sự đã rồi đặt người ta trước sự lựa chọn, hoặc là chấp nhận hoặc phải tìm cách giải quyết nó.

Nếu chấp nhận việc tồn tại hàng trăm dự án đầu tư mà phần lớn là các dự án đầu tư bất động sản thì gần như Hà Nội sẽ phải đối mặt: Quy hoạch chung Thủ đô mở rộng sẽ bị phá vỡ và không thể thực hiện được với một mớ dự án nhập nhằng; trong bối cảnh khó khăn kinh tế và tiềm lực hiện nay không thể huy động đủ nguồn lực để thực hiện chừng ấy dự án đầu tư theo kiểu phong trào; việc ào ạt lấp ruộng xây khu đô thị, làm sân golf sẽ đẩy hàng vạn nông dân mất đất vào cảnh bơ vơ ngay bên lề các dự án… gây ra những hệ lụy khó lường đối với sự phát triển của Hà Nội.

Sự đã rồi có thể xuất phát từ năng lực yếu kém của những người có thẩm quyền, song cũng không loại trừ những quyết định nọ có thể bị lợi ích làm cho méo mó.

Trong một cơ chế xã hội mà chính sách, luật pháp còn nhiều kẽ hở, thì việc để xảy ra nhiều sự đã rồi cũng không có gì ngạc nhiên. Hậu quả của nó hiện nay chính là bài toán đau đầu đối với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Làm thế nào để có một bản quy hoạch thực sự xứng với tầm vóc và vị thế Thủ đô một quốc gia gần 90 triệu dân? Trong hơn 700 dự án đó, giữ lại và dẹp bỏ bao nhiêu để tránh lãng phí xã hội?

Đằng sau các dự án là doanh nghiệp, đằng sau doanh nghiệp là những gì, đền bù, giải quyết thế nào cho ổn thỏa với các nhà đầu tư? Ai sẽ chịu trách nhiệm về bao công sức và phí tổn bỏ ra để khắc phục hậu quả của mớ lộn xộn ấy?

Khó nhưng dường như cách giải quyết chỉ có một. Đó là không chấp nhận sự đã rồi. Bởi lẽ chấp nhận cũng đồng nghĩa với dung thứ cho những sai lầm, mặt khác còn mở ra tiền lệ nguy hiểm cho vô số những sự đã rồi khác trong tương lai.

Do Thủ đô là chung của cả đất nước và dân tộc cho nên bản quy hoạch Hà Nội không còn là việc riêng của Hà Nội. Nếu Hà Nội không có được một quy hoạch phát triển tốt, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và xét về giác độ nào đó, giải quyết sự đã rồi trong việc cấp phép ồ ạt cho các dự án vừa qua cũng là một cách thể hiện trách nhiệm trước lịch sử. 

MỚI - NÓNG