Trách nhiệm và giá thuốc

Trách nhiệm và giá thuốc
TP - Trách nhiệm ngăn giá thuốc “cắt cổ” người bệnh đang được đá từ Bộ này sang Bộ khác. Mặc cho người bệnh kêu, báo chí lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc, giá thuốc vẫn tăng, chưa có biện pháp hiệu quả nào được thực hiện.

Bác sĩ Trần Văn Bản - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội ngạc nhiên: “Bộ Y tế vẫn đề nghị Bộ Tài chính có trách nhiệm (về giá thuốc- PV) vì bộ này có cả Cục Quản lý giá rất to. Trong cuộc họp gần nhất, trách nhiệm lại được chỉ về Bộ Công Thương. Tôi tự hỏi không biết đến giờ này Bộ Y tế vẫn nói như thế thì thời gian qua họ thật sự làm gì”.

Có lẽ không chỉ bác sỹ Bản mà rất đông người dân cũng đang muốn hỏi Bộ Y tế, cụ thể hơn là Cục Quản lý Dược của bộ này đã thực thi nhiệm vụ ra sao mà không ít người bệnh phải bán nhà, vay nợ mua thuốc. Trong khi đó, nhiều hãng dược cùng hàng loạt bác sỹ thiếu lương tâm vẫn bình an vô sự sau khi thản nhiên vét đến đồng bạc cuối cùng của rất đông người bệnh.

Mỗi khi dư luận bức xúc vì giá thuốc bắt chẹt người bệnh, quan chức Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược lại viện dẫn vô số lý do khách quan. Không chỉ cấp trung ương mà ngay tại TPHCM, Phó GĐ Sở Y Tế TPHCM cũng nại rằng Sở này đã làm hết sức nhưng giá thuốc vẫn cao là do nhiều vấn đề lực bất tòng tâm!? Nếu quả như vậy thì căn bệnh giá thuốc phi lý đã hết thuốc chữa và người nghèo sẽ ngày càng vô vọng.

Phản ứng trước những bào chữa của ngành y tế, nhiều chuyên gia trong ngành này đã chỉ ra những yếu kém của bộ máy quản lý. Đó là buông lỏng quản lý, quản lý bất cập, yếu kém, không đưa ra giá trần, để cơ chế thị trường thao túng toàn bộ...

Bác sỹ Trần Văn Bản khẳng định nếu quyết tâm sẽ hạ được giá thuốc và chỉ cần có trách nhiệm là làm được điều này. Nếu đúng như bác sỹ Bản nói thì các cơ quan chức năng chưa có quyết tâm và thiếu trách nhiệm? Trên thực tế, ít ai tin họ đã làm hết sức bởi kiểu, cách mà các hãng dược, nhà thuốc và nhiều bác sĩ đang thao túng giá thuốc, làm tiền người bệnh cho thấy cách quản lý trong lĩnh vực này bị coi thường. Một khi quyền hành và luật lệ nắm trong tay mà ngành y tế lại lực bất tòng tâm thì không chỉ phải xem lại lực mà cả tâm cũng cần soi rọi kỹ hơn.

Giá thuốc cao không phải từ một hai năm nay hoặc xã hội bức xúc từ khi báo chí thông tin hãng dược thông đồng cho bác sỹ ăn hoa hồng tới 30% mà đã nhức nhối cả chục năm ròng. Từng ấy thời gian, quá đủ để Bộ Y tế cùng các ngành liên quan lập lá chắn bảo vệ người bệnh, cảnh cáo hãng dược và bác sỹ đặt lợi nhuận trên y đức. Nhưng thực tế, giá thuốc dần cao chóng mặt, người bệnh bị móc túi trắng trợn hơn còn hãng dược, bác sỹ kê toa vô tội vạ ngày càng dày túi! Vậy điều gì đang làm Bộ, Sở Y tế lực bất tòng tâm?

MỚI - NÓNG