Trái khoáy mùa thi

Trái khoáy mùa thi
TP - Tuyển sinh đại học năm nay, gần 1,9 triệu lượt hồ sơ đăng ký. Đợt một có 861.830 hồ sơ, còn lại đợt hai. Suốt chục ngày, cả nước náo nhiệt chuyện thi cử.

Thông tin: “Hơn 21 giờ, sau khi chuyến tàu cuối cùng của ngày vào ga, các sinh viên tình nguyện tại ga Sài Gòn ăn lót dạ bằng bánh mì và tranh thủ đi ngủ lấy sức đón sĩ tử (...).

Ba giờ sáng, loa của nhà ga thông báo tàu TN1 về. Họ bật dậy, lao đến các cửa toa chỉ dẫn cho thí sinh và phụ huynh. Chuyến tàu TN1 vừa xong, chưa kịp nghỉ thì 4 giờ sáng thêm chuyến tàu mới. Rồi 5 giờ sáng lại tiếp tục...”.

Đợt một tuyển sinh đại học vừa rồi, một cô gái từ tỉnh lên thành phố Cần Thơ, có bà ngoại đi theo lễ mễ gạo, mắm, muối, xoong, bếp ga mi-ni. Phòng trọ miễn phí chỉ nhận thí sinh đi thi, cô gái mếu máo: “Cháu đã bảo ngoại đừng đi, làm sao bây giờ”. Bà ngoại ngậm ngùi: “Ngoại không đi thì ai nấu cơm cho cháu ăn, nhà mình nghèo đâu có tiền để ăn cơm hàng quán”. Thấy cảnh ấy, chủ nhà trọ phá lệ, nhận cả hai bà cháu.

Qua tuyển sinh đợt một, các trường đại học vui mừng vì lời được món khá. Nhờ “đấu tranh” tăng được lệ phí dự thi thêm 20.000 đồng, cứ mỗi bộ hồ sơ đăng ký thí sinh phải nộp 80.000 đồng; 861.830 hồ sơ đăng ký nhưng dự thi chỉ 653.532 thí sinh.

Như thế có 208.298 bộ hồ sơ nộp tiền nhưng không có người thi, nhân với 80.000 đồng, được hơn 16,6 tỷ, trừ tiền vốn chẳng bao lăm, còn lời bẫm. Lãnh đạo Trường Đại học Thương mại nói: “Đây là một cải tiến tốt của Bộ GD-ĐT”.

Giữa tháng 6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý viết bài Bốn năm đổi mới giáo dục qua các con số, cho biết: “Số học sinh bị tai nạn giao thông khi đi thi đã giảm: năm 2007 có 85 vụ, năm 2008 là 84 vụ, năm 2009 là 73 vụ và năm 2010 là 54 vụ”.

Và đây, chỉ một vụ thôi, khoảng 5 giờ sáng ngày 5-7-2010, trên Quốc lộ 32, xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), cô Đinh Thị Hà Thu ở tỉnh Thái Bình chở em trai đi thi tuyển đại học, bị xe tải cán tử vong, người em trai bị thương. Đau thương không thể kể hết suốt đoạn đường tắc nghẽn hôm đó, ở phòng thi và gia đình, bà con quê hương.

Tại sao cứ duy trì thi cử “3 chung” suốt chín năm nay, ban đầu giới thiệu là “quá độ” để đi đến dự án cải tiến căn bản mà mãi không có? Hàng trăm trường đại học, thi một đề, một ngày, tập trung hàng triệu người về thành phố nên cả xã hội khốn khổ.

TS Phạm Thị Ly với trên 20 năm nghiên cứu về giáo dục, phải đặt câu hỏi: Ai có lợi trong đó? Và bà trả lời: “Một là những người có quyền “cho” trong cơ chế xin - cho. Hai là những người kinh doanh giáo dục”.

Tại Hội thảo Tham nhũng và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục Việt Nam - Làm thế nào nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình? ở Hà Nội dạo tháng 5-2010, TS Bùi Trân Phượng của Đại học Hoa Sen, nhận định: “Thách thức lớn nhất trong quản trị đại học là trả quyền tự chủ một cách rộng rãi và thực chất về cho các cơ sở giáo dục đại học”.

Ông Phương phê phán tình hình hiện nay là “các trường bị Bộ và các UBND đối xử như trẻ vị thành niên”. Trái khoáy này sinh ra các trái khoáy trong thi cử và đương nhiên nó kéo theo nhiều trái khoáy khác cho xã hội.

MỚI - NÓNG