Trớ trêu “giam” rồi mới “miễn”!

TP - Hay tin hai bị cáo vị thành niên trong vụ án “cướp giật bánh mỳ” tại TP Hồ Chí Minh được tòa án cấp phúc thẩm miễn trách nhiệm hình sự, nhiều người gọi điện hỏi tôi:

Cả hai cậu này đã bị giam hơn tám tháng, bây giờ mới miễn trách nhiệm hình sự, còn có ý nghĩa gì nữa không?

Tội phạm “cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 1999. Theo điều luật này thì việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm giam giữ rồi sau đó phạt tù hai bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là có căn cứ.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự còn nhiều quy định khác, trong vụ án này có lẽ các cán bộ tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm “quên” không áp dụng. Ví dụ quy định “Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục” (Điều 3), hoặc “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác” (Điều 8).

Tôi sẽ không bàn về ý nghĩa tốt đẹp của những quy định pháp luật trích dẫn trên đây. Điều cần bàn là phải làm thế nào để những quy định pháp luật này được thực thi ngay từ giai đoạn ban đầu của vụ án, khi cơ quan điều tra tiếp nhận hai can phạm vị thành niên bị bắt quả tang do đã cướp giật một số món đồ có thể làm dịu cơn đói với tổng trị giá chưa đến năm chục ngàn đồng.

Câu trả lời đã phần nào có trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Do các bị can là vị thành niên, họ cần có người giám hộ và luật sư khi lấy cung, những người này cần đề xuất các biện pháp phù hợp luật định nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ. Hành vi phạm tội của hai bị can đơn giản và đã rõ, “tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể”, nếu họ có địa chỉ cư trú rõ ràng, cần cho họ tại ngoại để hầu tra.

Tuy nhiên, vẫn thiếu những quy định (kể cả trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) giúp cho nguyên tắc tranh tụng có thể được thực hiện ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Giả sử luật sư hoặc người giám hộ của hai bị can đề nghị, nhưng cơ quan điều tra và viện kiểm sát không chấp thuận, khi đó vẫn chưa có quy định cần mở phiên tòa để giải quyết khiếu nại. Tòa án của chúng ta đã có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại hành chính, song lại chưa được dùng để giải quyết các khiếu nại tư pháp!

Các quy định về hình phạt của chúng ta cũng còn thiếu, ví dụ buộc lao động công ích trong một thời gian nhất định. Thiết nghĩ nếu có hình phạt này, cần “tặng” cho Tân và Tuấn một số giờ lao động công ích, để họ thấm thía rằng lao động sẽ giúp con người ta có cái ăn mà chẳng cần phải đi cướp giật của người khác.

Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, tôn trọng quyền con người đã được Hiến định, triệt để áp dụng nguyên tắc tranh tụng trong tất cả các giai đoạn của vụ án, có lẽ chỉ khi đó mới triệt tiêu được những nghịch cảnh trớ trêu “giam” rồi mới “miễn”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.